Vàng "nội" chạy ngược về gần 36,5 triệu đồng/lượng
Mặc dù giá vàng thế giới trong phiên Á – Âu chiều nay (23/3) vẫn tăng nhưng vàng trong nước vẫn tiếp tục sụt giảm khoảng hơn 100 nghìn đồng/lượng, đẩy giá về gần mốc 36,5 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh.
Tính đến gần cuối giờ chiều nay, vàng thế giới có xu hướng tăng so với phiên buổi sáng ở mức 1.431 USD/ounce, các thương hiệu vàng miếng trong nước lại đồng loạt giảm thêm hơn 100 nghìn đồng/lượng so với giá đầu ngày.
Vàng SJC Hà Nội được mua vào – bán ra ở mức 36,85 - 36,97 triệu đồng/lượng. Vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở mức 36,85 - 36,97 triệu đồng/lượng.
Tính đến 15h30, vàng miếng SBJ được niêm yết mua vào bán ra ở mốc 36,92 – 36,98 triệu đồng/lượng giá vàng tiếp tục giảm 110 nghìn đồng/lượng so với giá đầu ngày.
Ghi nhận sự biến động giá của thị trường vàng trong nước thời gian gần đây cho thấy, giá các thương hiệu vàng hầu hết được điều chỉnh chậm hơn so với vàng thế giới, thị trường giao dịch khá trầm lắng. Thậm chí giá còn tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong khi vàng thế giới ít biến động.
Theo phân tích của Sacombank, những ngày qua, tỷ giá USD trên thị trường liên tục có sự điều chỉnh giảm, mức tỷ giá trên thị trường tự do và liên ngân hàng ngày một sát gần nhau, do đó vàng trong nước được điều chỉnh giảm theo.
Hiện giá vàng thế giới vẫn giữ vững đà tăng, tuy nhiên dự báo giá vàng trong nước sẽ tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, thậm chí là giảm nhẹ.
Nhu cầu vàng vẫn khá vững chắc khi các nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản chống lại biến động chính trị tại Libya và Trung Đông và cả hậu quả của trận động đất tại Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, vàng có thể tăng giá mạnh khi các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Nhật Bản và Trung Đông mua kim loại do lo ngại “siêu lạm phát” từ những chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Lãnh đạo các nước châu Âu sẽ gặp nhau vào tuần này để tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng nợ của khu vực này. JPMorgan Chase & Co ngày hôm nay cho biết chính phủ Bồ Đào Nha có thể sẽ gặp nguy cơ tồi tệ nếu Quốc hội nước này bỏ phiếu quyết định cắt giảm ngân sách.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bơm khoảng 40 nghìn tỷ yên (tương đương 494 tỷ USD) vào hệ thống tài chính kể từ khi động đất và sóng thần xảy ra để giảm bớt các tác động kinh tế.
Theo VnMedia