Chợ lề đường, bao giờ chấm dứt ?

12/04/2011 17:51

(Baonghean) - Nếu cứ tiếp tục dẹp chợ lề đường bằng cách bắt người bán hàng nộp phạt thì chẳng khác nào “ông đuổi cửa trước bà vòng cửa sau”. Hơn nữa, lấy đâu ra lực lượng, phương tiện, nhà kho để đi gom và chứa hàng hoá của những người vi phạm?

Lòng đường trở thành nơi họp chợ.

Ngay bên cạnh các chợ như: chợ Ga, chợ Quán Bánh, chợ Kênh Bắc, chợ Bến Thuỷ…nhiều người bán hàng ngay trên vỉa hè, ngoài cổng mà không vào chợ. Chị Đậu Thị Hải ( xã Nghi Kim, Nghi Lộc) bán hàng ngoài chợ Quán Bánh, nói tự nhiên: “Tui buôn mấy sọt chuối, vốn liếng có là bao, vào chợ còn nạp khoản này, khoản nọ, không còn lãi nữa”. Chị Hải cho biết thêm: Thấy bóng công an là chạy, nhiều bận không chạy kịp bị tịch thu hết hàng và còn phải nạp phạt.


Vào những ngày rằm, ngày mồng 1, đặc biệt là những tháng cuối năm, kiểu “chợ cóc” này phát triển càng mạnh, người mua kẻ bán nhốn nháo bên cạnh làn xe lao vun vút. Người bán vì đời sống còn nhiều khó khăn, không có việc làm đành phải đổ ra đường để buôn bán kiếm lời. Người mua hàng thì tặc lưỡi: ở đâu rẻ, tiện, không mất tiền gửi xe thì mua. Lúc đầu chỉ một vài người bán hàng bằng xe thồ, không thấy phản ứng gì, một thời gian sau đã biến thành một cái chợ đông đúc.

Lòng đường thành bãi đậu xe.

Dù đã có rất nhiều cố gắng, song dường như sự phối hợp giữa chính quyền và công an sở tại chưa chặt chẽ nên hầu hết vấn đề quản lý các loại chợ này như “ném đá xuống ao bèo”. Công an chỉ còn đóng vai trò đi dẹp chợ, nhưng dẹp được đầu này, đầu kia lại họp trở lại.

Nếu cứ tiếp tục dẹp chợ bằng cách bắt người bán nộp phạt thì chẳng khác nào “ông đuổi cửa trước bà vòng cửa sau”. Hơn nữa, lấy đâu ra lực lượng, phương tiện, nhà kho để thu gom và chứa hàng hoá của những người vi phạm? Đó là chưa kể đến nhiều tiêu cực sẽ phát sinh trong quá trình kiểm tra, giải toả.

Nếu không có những biện pháp khắc phục triệt để, sẽ dẫn đến việc gây tai nạn, cản trở giao thông, hậu họa khó lường.


Thu Hương