Những người truyền giữ "điệu hồn dân tộc"
Ngoài dân tộc Kinh, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 5 dân tộc anh em: Thổ (bao gồm cả người Đan Lai và Tày Poọng), Thái, Mông, Khơ mú, Ơ đu cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng tạo nên một vườn hoa đầy hương sắc.
Trong những chuyến hành trình tác nghiệp ở miền Tây, chúng tôi được gặp gỡ những con người tâm huyết và tận tụy với việc giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các thành viên trong cộng đồng thường gọi họ một cách trìu mến là "Người truyền giữ điệu hồn dân tộc".
Khoảng hơn 3 năm trước, chúng tôi vượt cầu treo bản Chắn, xã Thạch Giám (Tương Dương) đến thăm nghệ nhân dân gian Vi Đình Công, người được người dân nơi đây tôn vinh là "bảo tàng âm nhạc" của dân tộc Thái. Cùng vui câu xuối ở bản Cò - Châu Thái - Quỳ Hợp.Ảnh: Cao Duy Thái.
Vào cái tuổi xấp xỉ 80, trí nhớ giảm sút, mắt không còn thấy rõ, tai có lúc đã nghễnh ngãng nhưng người nghệ nhân già này vẫn miệt mài với việc truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách sử dụng và chế tác nhạc cụ khèn bè. Còn cụ Lô Thị Khoành, người bạn đời của cụ Công, mỗi khi có các thanh nữ ở khắp các bản tìm đến học các điệu dân ca Thái như khắp, lăm, nhuôn thì khuôn mặt già nua bỗng trở nên rạng rỡ, có lẽ vì đây là những phút giây cụ tìm thấy tuổi thanh xuân đã qua một thời.
Đầu năm nay trở lại bản Chắn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy cụ Vi Đình Công đã già yếu lắm, lại vừa trải qua cơn tai biến, gần như mọi sinh hoạt của cụ đều diễn ra trong căn buồng nhỏ.
Thế nhưng, quanh tấm phên lát buồng, người nhà vẫn treo lên mấy chiếc khèn bè, để mỗi khi tĩnh trí, cụ Công đưa mắt ngắm nhìn. Chúng tôi cầm một chiếc khèn đưa lại gần, ánh mắt cụ Công như vụt lên những tiasáng, nỗi đau cơ thể dường như nguôi ngoai được phần nào. Rồi cụ chợt thẫn thờ như tìm về miền tâm tưởng, về thuở cùng chiếc khèn bè vượt suối băng rừng...
Mỗi lần đến xã Thạch Ngàn, chúng tôi đều ghé đến nhà cụ Lô Thế Lục, người duy nhất ở huyện Con Cuông còn biết cách chế tác khèn bè và các loại sáo, pí của dân tộc Thái. Lần nào đến thăm đều thấy cụ Lục ngồi tỷ mẩn với những ống nứa nhỏ, nguyên liệu chính để làm khèn, pí.
Bằng niềm say mê và tâm huyết với âm nhạc dân tộc, cùng với khiếu thẩm mỹ và bàn tay khéo léo, cụ Lô Thế Lục làm cho những khúc nứa tưởng chừng như vô tri vô giác bỗng trở nên có hồn, ngân lên giai điệu thiết tha, quyến rũ. Mỗi lần tiếp đón chúng tôi, thay cho lời chào, cụ đều cầm chiếc khèn thổi lên bản nhạc du dương, thể hiện niềm vui mừng, hân hoan khi có khách miền xuôi đến thăm.
Có lần cụ Lục tâm sự: "Gần đây khách tìm đến nhà mua khèn, pí nhiều lắm, khách trong huyện cũng có, khách ngoài huyện cũng nhiều. Nhu cầu mua sắm và sử dụng nhạc cụ đang phát triển, vì các địa phương trong vùng hiện đang có phong trào thành lập các câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc".
Cách đây gần 02 năm, tại các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc do Viện Âm nhạc tài trợ, chúng tôi có dịp gặp gỡ và chia sẻ niềm vui với những nghệ nhân. Họ là những con người rất đỗi bình thường, cả cuộc đời gần như gắn bó với bản làng, nương rẫy và con suối quê hương. Chỉ có điểm khác biệt là những con người này ít nhiều có năng khiếu về âm nhạc và con lưu giữ được những nét tinh túy của bản sắc âm nhạc dân tộc mình.
Vì thế, khi tổ chức các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc, họ được mời đến với tư cách là một nghệ nhân, một giảng viên truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đó là ông Lầu Chống Dì (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) đã trên tuổi 70 nhưng vẫn say sưa truyền dạy điệu múa và thổi khèn Mông.
Bước đi nhịp nhàng, uyển chuyển, giai điệu trầm bổng, nhặt khoan khiến không ít người nghĩ rằng ông đến từ một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Bà Moong Thị Lợi (bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) lại không quản thời tiết nóng bức của những ngày hè để ra công tập luyện, chỉnh âm, sửa nhịp cho các cháu thanh- thiếu niên tham gia học làn điệu tơm, một làn điệu dân ca cổ truyền đặc sắc của dân tộc Khơ mú. Còn nghệ nhân Vi Thị Tân (bản Cằng, xã Môn Sơn, Con Cuông) không dấu được niềm vui hiện lên nét mặt khi trong xã có hơn 10 cô gái đăng ký theo bà học các làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn)...
Về ý thức bảo tồn bản sắc âm nhạc, có thể nói bà con dân tộc Thái luôn được xếp ở vị trí hàng đầu. Chỉ tính riêng huyện Con Cuông có tới gần 10 câu lạc bộ (CLB) Dân ca- Nhạc cụ dân tộc Thái. Các CLB này thực chất là các lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc, là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và cũng là nơi "ươm mầm" cho lớp trẻ.
Điều đáng nói ở đây là thành viên của các CLB đến sinh hoạt một cách tự nguyện, chi phí để mua sắm nhạc cụ, trang phục và mỗi lần tổ chức giao lưu đều do các thành viên đóng góp. Với sự đam mê, lòng nhiệt tình và cống hiến vô tư của các thành viên, nhiều CLB Dân ca- Nhạc cụ dân tộc Thái ở Con Cuông ngày càng khẳng định được sức sống, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiêu biểu như CLB của xã Môn Sơn, bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Chòm Muộng (xã Mậu Đức), bản Lam Khê (xã Chi Khê). Tương tự, ở huyện Tương Dương có CLB Dân ca- Dân vũ của bản Phòng (xã Thạch Giám) cũng là một điển hình về công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
CLB này tập hợp tới hơn 60 thành viên, được chia thành các nhóm mang tính chuyên môn khá cao (bao gồm nhóm dàn dựng, nhóm sưu tầm, nhóm truyền dạy, nhóm biểu diễn và nhóm đồng dao). Vào những đêm cuối tuần, khi CLB tổ chức sinh hoạt, dân bản tập trung về nhà văn hóa để cùng thưởng thức, giao lưu.
Từ khá lâu, những đêm như thế này thực sự đã trở thành đêm hội của người dân bản Phòng. Cũng như ở Con Cuông, nguồn kinh phí hoạt động của CLB Dân ca- Dân vũ bản Phòng cơ bản vẫn được huy động từ các thành viên và bà con dân bản. Lâu nay, CLB trở thành "hạt nhân" của phong trào văn hóa- văn nghệ của xã và huyện. Thậm chí, đội cồng chiêng của bản Phòng được chọn làm đại diện của tỉnh tham dự Festival Cồng chiêng quốc tế tổ chức tại tỉnh Gia Lai (năm 2009).
Lên miền Tây, chúng tôi còn được gặp gỡ những trí thức nhiệt tâm và đầy tinh thần trách nhiệm với di sản của tổ tiên, cụ thể là tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Họ có một điểm chung khi còn làm việc, họ tích cực cống hiến trí lực cho sự phát triển của quê hương.
Về hưu, có điều kiện về thời gian, họ bắt đầu chuyên tâm lục tìm vốn cổ và quyết tâm làm hồi sinh nét chữ của tổ tiên. Đó là những trí thức tiêu biểu của người Thái như Lô Khánh Xuyên (Quế Phong), Sầm Văn Bình (Qùy Hợp), Lô Văn Thoại, Vi Khăm Mun, Lô Khăm Phi (Tương Dương)...
Thời gian qua, những con người này đã bước đầu làm hồi sinh chữ Thái cổ (hệ Lai Tay và Lai Pao). Cũng từ đó, cánh cửa kho tàng văn hóa dân tộc Thái như được mở ra rộng hơn, bởi ngoài việc truyền dạy chữ Thái họ còn cất công đi khắp các bản làng để sưu tầm những câu chuyện cổ, những câu tục ngữ, ca dao và đồng dao tưởng chừng như đã thất truyền. Nhờ họ, bà con dân tộc Thái tỉnh nhà thấy được bản lĩnh, sự giàu có của kho tàng văn hóa dân tộc mình để bồi đắp lòng tự hào về truyền thống tổ tiên.
Có thể kể thêm về cụ Lò Văn Mằn và ông Lò Hồng Phong ở bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương), những người con tiêu biểu của dân tộc Ơ đu. Những biến động dữ dội của dòng chảy lịch sử cùng với cuộc sống cộng cư với các dân tộc khác đã làm bản sắc người Ơ đu bị mai một khá nhiều, kể cả tiếng nói. Trước tình hình đó, được Nhà nước quan tâm và tạo điều kiện, cụ Mằn và ông Phong đưa hết khả năng để truyền dạy tiếng nói của tổ tiên cho bà con người Ơ đu. Người Ơ đu phấn khởi, háo hức đến lớp để tìm lại tiếng nói của cha ông mình...
Phụ nữ xã Chi Khê (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ảnh:C.K
Có những phụ nữ tuổi thơ được bà và mẹ dạy một cách kỹ lưỡng về cách kéo sợi, dệt vải. Thế nhưng, một thời gian khá dài, nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ mai một. Những người phụ nữ này vẫn nuôi trong mình một ngày không xa bà con dân tộc mình sẽ tìm về với trang phục cổ truyền, và nghề dệt thổ cẩm sẽ được hồi sinh.
Và niềm hi vọng của họ đã trở thành hiện thực khi thời gian gần đây đồng bào các dân tộc đã trở về với trang phục truyền thống, đặc biệt là vào dịp lễ tết, cưới hỏi. Đồng thời, Nhà nước triển khai nhiều dự án duy trì và mở rộng nghề dệt thổ cẩm, những người phụ nữ này vừa đóng vai trò là người truyền dạy, vừa tổ chức sản xuất, thăm dò thị trường và giao dịch sản phẩm, giúp các chị em khác có thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống.
Trên cơ sở đó, nhiều địa phương xây dựng được thương hiệu cho mặt hàng thổ cẩm và giữ gìn bản sắc văn hóa một phần nhờ vào công sức của họ. Có thể kể tới chị Hà Thị Hằng, xã Môn Sơn và chị Lương Thị Lai, xã Lục Dạ (Con Cuông); chị Lương Thị Lan, xã Thạch Giám (Tương Dương); chị Lô Thị Mai, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn)...
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của một dân tộc cần sự ý thức và nỗ lực của toàn thể cộng đồng dân tộc ấy. Và không thể thiếu vai trò của những con người sẵn có niềm say mê, tận tình và vô tư cống hiến...
Công Kiên