Nước Mỹ trước “cơn cuồng phong” giá dầu
Hôm qua (28/3), Bộ Thương mại Mỹ công bố chi tiêu tiêu dùng của nước này trong tháng 2 đã tăng 0,7%, mức nhanh nhất kể từ tháng 10/2010. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc giá leo thang có nguy cơ cản trở đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng của người dân, ít nhất trong quý 1.
Hôm qua (28/3), Bộ Thương mại Mỹ công bố chi tiêu tiêu dùng của nước này trong tháng 2 đã tăng 0,7%, mức nhanh nhất kể từ tháng 10/2010. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc giá leo thang có nguy cơ cản trở đà phục hồi chi tiêu tiêu dùng của người dân, ít nhất trong quý 1.
Cũng có không ít nhà kinh tế cho rằng, giá dầu mỏ leo thang và nguy cơ khủng hoảng phóng xạ tại Nhật Bản hiện nay sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ tới kinh tế Mỹ, và dự báo năm nay quốc gia này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008.
Theo công bố trước đây của Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 3,1%/năm trong quý 4/2010, cao hơn so với mức 2,8% đưa ra ban đầu. Đây là mức tăng hàng quý cao nhất kể từ đầu năm 2010, nhờ đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện.
Chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% hoạt động kinh tế Mỹ. Mặt khác, kinh tế Mỹ cũng được tạo đà rất lớn sau khi Tổng thống Barack Obama ký đạo luật giảm thuế một năm, qua đó giúp tiết kiệm khoảng 1.000 - 2.000 USD cho người dân Mỹ.
Giá dầu leo cao có thể tác động tới kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, giá dầu mỏ tăng cao có thể là tác nhân tiêu cực khác khiến người dân phải cắt giảm chi tiêu, bởi lẽ lương thực và năng lượng là hai khoản chi chủ yếu của người tiêu dùng Mỹ. Kể từ khi vấn đề tại Lybia nổ ra, giá dầu thô đã tăng 15 - 20 USD/thùng và ước tính người tiêu dùng Mỹ đã phải trả thêm 12% chi phí/lít xăng.
Chuyên gia Paul Ashworth thuộc hãng Capital Economics cho rằng, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao đã tác động xấu tới chính sách cắt giảm thuế cho người dân Mỹ. Theo ông, trong quý 2 tới, bên cạnh vấn đề giá nhiên liệu thì tình hình tại Nhật Bản cũng đáng lo ngại, do hoạt động sản xuất tại nước này bị gián đoạn, từ đó tác động tới các hãng Mỹ.
Cũng liên quan tới Mỹ, tổng số ngân hàng của nước này bị đóng cửa từ đầu năm đến nay đã tăng lên con số 26, sau khi có thêm ba ngân hàng nhỏ bị đóng cửa trong tháng này, khiến Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) thiệt hại thêm 112 triệu USD.
Theo tính toán sơ bộ, với số tài sản trị giá 163 triệu USD và tổng số dư tiền gửi là 161 triệu USD tính tới ngày 31/12/2010, sự sụp đổ của ngân hàng Bank of Commerce of Wood Dale tại bang Illinois cuối tuần trước, đã khiến FDIC bị thiệt hại khoảng 42 triệu USD.
Trong khi đó, hai ngân hàng Legacy Bank tại bang Wisconsin và First National Bank of Davis tại bang Oklahoma cũng nhận lệnh đóng cửa vào cuối giờ giao dịch ngày 11/3 theo yêu cầu của FDIC.
Ngân hàng Legacy Bank có tài sản trị giá 190 triệu USD và tiền gửi hơn 183 triệu USD, còn ngân hàng First National Bank of Davis có số tài sản hơn 90 triệu USD và tiền gửi gần 70 triệu USD. Tiền bảo hiểm phải trả cho 2 ngân hàng bị đóng cửa này lên tới 70 triệu USD.
Trong năm 2010, đã có tổng cộng 157 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa, nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm hồi năm 1992 tới nay. Tổng giá trị tài sản của 157 ngân hàng nói trên vào khoảng 92 tỷ USD.
Phần lớn các ngân hàng phá sản trong năm 2010 là những ngân hàng nhỏ, nên tổng chi phí bảo hiểm tiền gửi cũng chỉ ở mức 21 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với khoản phí bảo hiểm 36 tỷ USD mà chính quyền liên bang phải trả cho sự sụp đổ của 140 ngân hàng trong năm 2009.
Theo VnEconomy