Trên kinh đô ánh sáng
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành quyết định trở lại nước Pháp. Lúc này, Đại chiến thế giới lần thứ nhất đang bước vào hồi ác liệt, nước Pháp rơi vào tình trạng kiệt quệ vì chiến tranh, đời sống người dân lầm than, khổ cực.
Tại thủđô Pa-ri, Nguyễn Tất Thànhsinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Người tìm cách liên lạc với các cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và các Việt kiều yêu nước để nắm tình hình quê hương. Ở Pa- ri lúc này không khí chính trị rất sôi động, các đảng phái đua nhau hoạt động. Qua tìm hiểu, Người nhận thấy chỉ có Đảng Xã hội Pháp là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của cuộc Đại cách mạng Pháp: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Vì thế, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành xin gia nhập Đảng Xã hội Pháp.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp. - Ảnh tư liệu
Năm 1918, Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp ở Vec- xay (Pháp) với mục đích phân chia lợi ích. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Tất Thành soạn thảo và gửi đến hội nghị "Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam" (ký tên Nguyễn Ái Quốc).
Nội dung bản yêu sách thể hiện nguyện vọng tự do và công lý của một dân tộc bị áp bức, bóc lột nặng nề, được báo chí và công luận nước Pháp lên tiếng ủng hộ. Những nội dung trong bản yêu sách không được thực thi nhưng nó thực sự tạo nên tiếng vang lớn.
Từđây, người nhận ra một điều rằng: "Muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình". Cũng từđó, mật thám Pháp luôn để ý tới lý lịch và hành động của một người Việt Nam có tên Nguyễn Ái Quốc.
Từ thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc nhận ra sức mạnh của báo chí và Người quyết định học cách viết báo. Các bài viết của Người đăng trên các báo Nhân đạo, Dân chúng thể hiện tư tưởng yêu nước tiến bộ, khát vọng giải phóng dân tộc và lòng quyết tâm tìm bằng được con đường thích hợp cho cách mạng Việt Nam. Trong khi đang "khát" một con đường, ngày 16 và17-7-1920, báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đăng bài "Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa" của V.I.Lênin.
Sau này Người tâm sự: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên nhưđang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bịđọa đày đau khổ! Đâu là cái cần thiết cho chúng ta...".
Thời kỳ này, báo Nhân đạo có nhiều tin bài về Cách mạng Tháng Mười Nga, về hoạt động của Quốc tế Cộng sản III và Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc tập trung nghiên cứu và hiểu sâu hơn quan điểm của Lênin về cách mạng ở các nước thuộc địa.
Vì thế, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp lần thứ 18 (tháng 12/1920), Người phát biểu tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bày tỏ nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản III, tán thành đường lối cách mạng vô sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và cũng là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động chính trị, sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa để tập hợp lực lượng và phát huy tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân chính quốc và nhân dân các dân tộc bị áp bức. Hội Liên hiệp thuộc địa ra tờ báo Người cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc vừa kiêm chủ bút, vừa viết bài, lại vừa đảm nhiệm việc phát hành. Những bài báo của Người đã vạch trần những thủđoạn xảo quyệt của thực dân Pháp đối với công nhân và nhân dân các nước thuộc địa và kêu gọi toàn thể cùng đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù chung.
Trên thủđô Pa-ri hoa lệ, nơi được mệnh danh là "Kinh đô của ánh sáng", Nguyễn Ái Quốc được tiếp nhận nguồn ánh sáng kết tinh của trí tuệ nhân loại, đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành một chiến sỹ cộng sản. Từđây, con đường giải phóng dân tộc Việt Nam đã được định hình...
Công Kiên (bs,st)