Cần sự chung tay của toàn xã hội

23/03/2011 11:24

Phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”  ở Nghệ An được triển khai hơn 2 năm đã thực sự trở thành bước đột phá trong chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, việc đưa phong trào áp dụng vào thực tế hiện nay cũng vấp phải không ít khó khăn, đặt ra không chỉ cho ngành giáo dục những bài toán cần phải giải quyết để phong trào đạt được hiệu quả cao hơn.

(Baonghean) - Phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở Nghệ An được triển khai hơn 2 năm đã thực sự trở thành bước đột phá trong chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, việc đưa phong trào áp dụng vào thực tế hiện nay cũng vấp phải không ít khó khăn, đặt ra không chỉ cho ngành giáo dục những bài toán cần phải giải quyết để phong trào đạt được hiệu quả cao hơn.

Qua triển khai phong trào, nhiều nhân tố, mô hình mới đã được phát hiện và khơi dậy trong nhà trường như: Phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp ở huyện Quỳnh Lưu; đưa các trò chơi dân gian vào trường học ở huyện Yên Thành; tiếng trống học bài ở huyện Anh Sơn; rèn chữ đẹp ở huyện Quỳ Châu; thi hát dân ca trong trường học... Mục tiêu chính của phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” là nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong, ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội. Qua đó cũng phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập, trong các hoạt động xã hội một cách phù hợp có hiệu quả.


Đưa trò chơi dân gian vào trường học, giúp các em tránh được
những hệ lụy từ các trò chơi mang tính bạo lực.

Theo đó các trường học phải đảm bảo thực hiện tốt các nội dung: Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; dạy, học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở địa phương giúp các em tự tin trong học tập; rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương.

Có thể nói rằng, với những nội dung được Bộ GD&ĐT nêu ra nhằm giúp các địa phương, các trường học áp dụng vào việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã trở thành hướng dẫn cụ thể cũng như là tiêu chí đánh giá phong trào một cách khách quan. Nhưng điều quan trọng lại nằm ở việc liệu có đưa được các nội dung vào thực hiện một cách đầy đủ đối với các cấp học, các trường học ở một mặt bằng chung tại địa phương hay không? Điều này ở Nghệ An được thể hiện khá rõ nét, đồng thời cũng bộc lộ những khó khăn cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện.

Là một tỉnh có đến 11 huyện miền núi trên tổng số 20 huyện, thị, trong đó có 3 huyện nghèo nằm trong số 62 huyện nghèo nhất của cả nước, điều này đã làm cho khoảng cách trong việc đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy và học có sự chênh lệch nhất định giữa miền núi với đồng bằng. Hiện nay ngành giáo dục đang phải tiếp tục giải quyết những mâu thuẫn gay gắt giữa quy mô phát triển, chất lượng giáo dục và sự đáp ứng về cơ sở vật chất trường lớp. Chính vì thế mà dù mạng lưới trường lớp ở khu vực miền núi hiện nay là khá rộng khắp nhưng nhiều nơi học sinh vẫn phải học trong những lớp ghép, điểm trường lẻ... Đó là chưa kể đến việc trang thiết bị tại nhiều trường học chưa thể đáp ứng được với yêu cầu đổi mới giáo dục. Phần lớn các trường từ miền núi đến đồng bằng đều thiếu các phòng học bộ môn, phòng thư viện, thí nghiệm, tin học, y tế , thậm chí các khu vệ sinh của học sinh cũng chưa được đảm bảo. Chỉ tính riêng trong năm học 2008-2009 số trường học có công trình vệ sinh và công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn chưa đầy đủ: mầm non mới có 324/504 trường; tiểu học 465/570 trường; THCS 378/445 trường; PTTH là 62/90 trường. Điều này phần nào cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp.


Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ,
học sinh tự tin thể hiện năng khiếu của mình.

Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa khu vực miền núi với đồng bằng cũng là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian và tìm hiểu, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Thực tế cho thấy, tại các trường miền núi, nhất là các trường ở miền núi cao (thậm chí có cả các trường ở đồng bằng) quỹ đất để xây dựng trường lớp, khuôn viên, sân tập rất hạn chế, có những nơi trên địa bàn trường học trú chân lại không có một di tích lịch sử, văn hóa nào nên không thể áp dụng thực hiện các hoạt động thể dục thể thao, tham quan, học tập. Qua điều này cũng cần phải thấy rằng, áp dụng các nội dung trong thực hiện phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” là điều tốt đẹp và phù hợp, nhưng linh động trong cách áp dụng đưa vào thực tế từng địa phương mà không làm mất đi bản chất tốt đẹp của phong trào còn quan trọng hơn.

Hơn nữa, đối với từng vùng miền, nhất là ở Nghệ An có nhiều dân tộc sinh sống với những trò chơi dân gian, các điệu hát, điệu múa khác nhau thì việc xác định để áp dụng đưa vào trường học cũng không phải là đơn giản, đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ bản sắc văn hóa từng vùng để hướng dẫn cho học sinh, đồng thời phải có sự chọn lọc phù hợp theo những tiêu chí nhất định. Nếu không thực hiện được điều đó thì việc áp dụng nội dung đưa các trò chơi dân gian, văn nghệ dân gian vào trường học cũng chỉ là hình thức chiếu lệ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tuy việc xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” là phong trào chung được phát động thông qua các trường học, nhưng chủ thể góp phần không nhỏ vào việc thành công của phong trào lại chính là học sinh. Tuy nhiên việc làm thay đổi các thói quen cũ, thậm chí là thói quen xấu để trở nên “tích cực” của mỗi học sinh đòi hỏi phải có thời gian cũng như các biện pháp giáo dục, tuyên truyền phù hợp với tâm lý của mỗi học sinh ở các cấp học khác nhau.

Thiết nghĩ, những khó khăn gặp phải trong việc thực hiện phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” có thể được giải quyết một khi điều này được xem là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không của riêng ngành giáo dục. Trong đó, cần phải đầu tư cho giáo dục, nhất là việc nâng cấp trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cũng như các công trình đảm bảo vệ sinh cho học sinh, xem đó là sự đầu tư cho tương lai. Cần nhân rộng các mô hình hay, có hiệu quả trong việc thực hiện phong trào. Giữa các đơn vị, nhất là các tổ chức đoàn, đội cần phải có sự phối hợp tích cực với nhà trường trong việc áp dụng các mô hình, các trò chơi, môn thể thao và các hoạt động tập thể. Về phía gia đình cần xây dựng môi trường thân thiện, mọi thành viên đều yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Làm được điều đó thì thì học sinh mới trở nên tích cực và trường học sẽ thân thiện.


Quảng An