Một người mù viết văn

29/04/2011 15:05

- Ký -

- Ký -

Cuối năm 2010, tôi lên miền Tây xứ Nghệ tham dự sinh hoạt nghề nghiệp của Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật của thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn. Trong báo cáo của Câu lạc bộ có nhắc nhiều lần đến anh Nguyễn Trung Thành, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội Người mù Thị xã Thái Hòa, người đã đạt tới ba giải thưởng về văn học năm 2010: Giải C với Tiểu thuyết Nẻo khuất của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật toàn quốc, giải Đặc biệt cuộc thi Nguồn sáng đời tôi do Trung ương Hội Người mù tổ chức, giải Đặc biệt cuộc thi Vượt lên số phận của Tạp chí Thanh niên...

Tôi không bất ngờ khi gặp lại anh Thành, cũng không bất ngờ khi biết anh đạt nhiều giải thưởng Văn học trong một năm, bởi quen biết anh cũng đã lâu, lại làm việc ở Hội VHNT tỉnh. Tôi chỉ bất ngờ khi anh mời tôi về nhà, và ngạc nhiên khi thấy ngôi nhà nhỏ nhắn, vững chắc, sạch sẽ của anh ở Thị xã Thái Hòa. Ngôi nhà đựơ trang trí rất đẹp với nhiều sách, báo. Tức thì tôi bật ra câu hỏi:

- Chúc mừng anh đã có ngôi nhà đẹp. Nhà từ thiện nào đã giúp anh có ngôi nhà này vậy?

Anh Thành cười sang sảng và câu trả lời dứt khoát của anh làm tôi... choáng:

-Không có nhà từ thiện nào cho tôi cả. Ngôi nhà này tôi làm được từ nhuận bút đấy.

Trong giới văn nghệ sĩ tỉnh Nghệ An, tôi chưa nghe ai nói sống được từ nhuận bút, nói gì đến việc làm nhà. Thế mà một người mù lại làm được điều ấy. Thực tế ra sao...?

Anh Nguyễn Trung Thành sinh năm 1959 tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc. Anh bị mù mắt trong một lần bị sức ép do bom từ máy bay giặc Mỹ ném xuống ngôi nhà đang sinh sống. Gia đình neo đơn, vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn khi mất hẳn một sức lao động. Anh bỗng cảm thấy mình là trở thành kẻ ăn bám, nặng gánh cho người thân. Không có người dẫn dắt vào mỗi ban mai để đến trường, anh bỏ học. Sáng sớm tỉnh dậy, theo thói quen anh cuống quýt mò mẫm ôm sách vào hông, mò mẫm ra ngõ nghe tiếng bạn bè ríu rít đến trường, nước mắt tràn ướt hàng mi, nước mắt lăn vào miệng. Lần đầu tiên anh được biết vị mặn chát của nước mắt, của cuộc đời...

Nhà vắng hoe, anh suốt ngày ngồi trước cửa nhà lần giở những quyển vở để rờ rẫm từng con chữ, nước mắt lã chã rơi, trước mắt là khoảng không gian tối mịt mùng, vô tận. Mệt mỏi quá, anh tựa lưng vào bờ vách để hồi tưởng về những quyển sách đã từng đọc qua: Những người khốn khổ của Vích to Huy gô, Đỏ và đen của Xtăngđan, Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi, Tình yêu thời thổ tả của Mắc két, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng... Thấy anh thường khóc cười bất chợt, gia đình phải tìm việc cho anh làm để xoa dịu nỗi buồn. Anh bắt đầu học hỏi, mò mẫm về nghề đan lát cổ truyền, mò mẫm chẻ tre. Dao sắc ngọt chẻ vào tay, máu đỏ tươi của chàng trai mới lớn nhuộm đỏ chiếc bồ đầu tiên do anh làm ra. Năm tháng thoi đưa, "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", những chiếc bồ anh Thành làm nhiều người mua, đặt hàng. Vào các phiên chợ làng, chợ huyện, anh gánh hàng, người mẹ già nắm tay dẫn đường. Và trong lần như vậy, hai mẹ con anh Thành gặp một bà già gánh khoai đang nhích từng bước nặng nề, khó nhọc. Anh Thành không nề hà mệt mỏi đã gánh hộ bà già đưa về tận nhà. Người con gái tuổi đôi mươi của bà lão đã cảm động trước tấm lòng của chàng thanh niên mù mắt nhưng hiếu thảo với người già. Cô gái ấy sau này đã trở thành người vợ của anh Thành, người mẹ của 4 đứa con ngoan hiền, hiếu thảo như cha mẹ ngày xưa.

... Đó là chuyện của hơn 30 năm về trước. "Còn bây giờ cuộc sống của anh ra sao? Từ ngày lấy vợ rồi anh viết văn cho đến bây giờ à?" - Tôi hỏi.

Anh Thành cười, nhưng câu chuyện của anh lại như tràn đầy nước mắt. Anh kể: "Đối với tôi, đến với văn chương không dễ dàng chút nào. Ngày ấy, lấy vợ xong, hai vợ chồng được ông bà cho mảnh đất ra riêng, sống trong ngôi nhà bé tý như chiếc lều. Tôi vẫn đan bồ theo đặt hàng, vợ đi mò cua bắt ốc. Những đứa con lần lượt ra đời, vợ tôi kiệt sức vì sinh đẻ, vì đói khát đã đổ bệnh. Cùng đường rồi, nghề đan lát không đủ sống, không đủ kiếm tiền thuốc men cho vợ, tôi quyết định bỏ quê, dắt đứa con đầu đi tha phương cầu thực. Hai cha con lần mò khắp các bến xe, nhà tàu, khu chợ... dọc miền Trung, đọc thơ, đọc truyện để xin ăn. Người con bảy tuổi, thân hình nhỏ bé, gầy gò làm cây gậy cho người cha mù vịn để đọc thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, đọc thuộc lòng từng đoạn trong các cuốn tiểu thuyết của Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... Nhiều chợ đã quen với sự có mặt của cha con tôi, gọi tôi là "vô tuyến truyền...miệng" của chợ. Suốt ba năm trời, hai cha con sống trong cảnh cơm đường, cháo chợ, ngủ lang thang, có người thương, có người hắt hủi xua đuổi...

- Một ngày mưa, hai cha con buồn bã trú mưa nhờ trong một quán nước ở Quảng Bình. Cô chủ quán còn rất trẻ, biết tôi có hiểu biết về văn chương đã cho con tôi mượn tập truyện ngắn Tên em là Xiêm Huệ của nhà văn Bá Dũng. Con tôi đã đọc tôi nghe một số truyện kể về số phận của những con người bất hạnh, đầy bệnh tật hiểm nghèo nhưng vẫn cố vươn lên để được học hành, được sống. Tôi nghe và ngẫm ra những chuyện như vậy ở quanh ta rất nhiều, truyện viết đơn giản nhưng cảm động, tại sao ta lại không viết được? Tại sao lại bắt con bỏ học đi lang thang kiếm sống thế này? Thôi, về thôi con ơi, con sẽ đi học, cha sẽ viết văn về những gì cha con mình đã trải nghiệm suốt những năm qua.

Ý tưởng của tôi thì như vậy, nhưng để hiện thức hóa được nó thì phải làm thế nào đây? Người mù làm sao cầm bút viết được như người bình thường? Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi quyết định xin gia nhập vào Hội người mù, tham gia học lớp chữ nổi Braille. Mọi thao tác học chữ đều diễn ra trong tư thế mò mẫm, mò mẫm từng ký hiệu cho từng con chữ khác nhau để đâm kim từng nét. Khó khăn vô cùng, mệt mỏi vô cùng, đến ngày đã mò đọc được sách, viết thành chữ nổi diễn tả được ý nghĩ của mình thì coi như mình được sống lại lần thứ hai".

- Biết chữ nổi Braille rồi, tác phẩm đầu tiên của anh thuộc thể loại gì?

- Việc đầu tiên của tôi là đọc, đọc rất nhiều tác phẩm văn học và báo chí để xem các nhà văn viết như thế nào? Đến lúc hiểu được cách viết văn, viết báo thì tôi bắt đầu viết. Viết các bài thơ, truyện đăng báo, tạp chí, đọc trên đài phát thanh...

Từ đó, phần lớn những người biên tập ở báo, đài dần quen với hình ảnh một người phụ nữ gầy gò chở một người đàn ông mù mắt trên chiếc xe đạp cũ kỹ đưa bài vở đến phòng biên tập. Rồi cũng người đàn bà lam lũ ấy, chiều chiều chở hàng đồng nát trên chiếc xe đạp cũ, trời nắng cũng như mưa về nơi tập kết thu mua.

Anh Thành lặng người đi khi nói về người bạn đời thủy chung suốt mấy chục năm qua. Anh nói gia đình anh có thu nhập cũng từ ngày ấy, từ năm 1994, khi anh bắt đầu cầm bút. Vợ anh đã khỏe hơn, bốn đứa con đều chăm ngoan đến trường. Đôi lúc thư giãn anh đan bồ, còn thời gian chủ yếu dành để viết văn, viết báo, làm thơ. Để thuận tiện cho việc sinh sống, anh đã bán mảnh đất ông bà cho ở miền biển, di cư lên miền Tây xứ Nghệ và dựng nhà bằng số tiền nhuận bút, tiền thưởng, tích góp suốt 15 năm qua cùng với số tiền bán đất ông bà cho. Nhiều tờ báo, tạp chí, và nhà xuất bản biết hoàn cảnh gia đình anh nên cũng có phần ưu ái. Cho đến bây giờ anh đã có hàng trăm bài báo, 6 tác phẩm đã xuất bản: Tiếng lòng (Thơ) - Nhà xuất bản Nghệ An, Hương Đại (Tiểu luận) -Nhà xuất bản Nghệ An, Thủ lĩnh cóc tía (Truyện thiếu nhi) - Nhà xuất bản Nghệ An, Phục Thiện (Tập truyện ngắn) - Nhà xuất bản Nghệ An, Khúc ru lòng (Thơ) - Nhà xuất bản Nghệ An, Nẻo khuất (Tiểu thuyết) - Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Bên cạnh đó là nhìêu giải thưởng: Giải C cuộc thi Sức khỏe và môi trường do Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức năm 1995, Giải B Cuộc thi truyện ngắn Báo Nghệ An năm 1996, Giải Khuyến khích bình thơ trên Đài tiếng nói Việt Nam năm 1997-199S, Giải B Tạp chí Đời mới - Hội Người mù Việt Nam năm 2000, Tặng thưởng văn học Hồ Xuân Hương- Hội Văn học Nghệ Thuật Nghệ An năm 2005,...

28-2-2011


Đàm Quỳnh Ngọc