Lao động - nguồn tài sản quý giá của doanh nghiệp

29/04/2011 15:05

Đối với đại đa số các doanh nghiệp, lao động - nguồn nhân lực của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp có những đổi mới trong ứng xử với người lao động, không chỉ tạo việc làm, tổng thu nhập mà còn quan tâm chăm lo sức khỏe, môi trường lao động...

Đối với đại đa số các doanh nghiệp, lao động - nguồn nhân lực của doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Ý thức được điều đó, nhiều doanh nghiệp có những đổi mới trong ứng xử với người lao động, không chỉ tạo việc làm, tổng thu nhập mà còn quan tâm chăm lo sức khỏe, môi trường lao động...

Chăm lo tốt việc làm, đời sống

Việc làm, đời sống là vấn đề quan tâm hàng đầu của người lao động. Tìm đến doanh nghiệp người lao động trước hết mong muốn có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. Doanh nghiệp cũng cần có lao động, nhân lực để đảm bảo dây chuyền sản xuất, hoàn thành mục tiêu, trong đó có mục tiêu quan trọng là đảm bảo việc làm cho người lao động. Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An hoạt động trong điều kiện cạnh tranh gay gắt nhiều năm qua vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập cho 260 lao động của công ty. Phó Giám đốc Nguyễn Văn Minh cho biết: " Tạo việc làm, thu nhập là một trong những mục tiêu hàng đầu của công ty, bên cạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá". Những năm qua, ngoài tìm kiếm thị trường tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, TCT còn mở ra các ngành nghề đa dạng: sản xuất và cung ứng giống lúa, giống ngô chất lượng cao vừa đáp ứng nhu cầu thâm canh trên đồng ruộng, vừa tạo thêm việc làm thu nhập cho người lao động. TCT đã áp dụng biện pháp giao khoán tạo điều kiện cho công nhân được cống hiến hưởng thụ bằng lao động chân chính. Năm 2010, TCT đã giải quyết việc làm cho 100% lao động với mức thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 281% so với năm 2000.

Với Công ty CP bia Sài Gòn -Nghệ Tĩnh, chăm lo đời sống việc làm cho công nhân đang là động lực giúp công ty vượt qua khó khăn, đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Ngoài đảm bảo tiền lương, công ty chú trọng tăng tiền thưởng cho các hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm thêm, thực hiện tốt bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chiết khấu hoa hồng và cổ tức. Giám đốc Đặng Duy Đông cho hay: "Năm 2010, công ty đã đảm bảo việc làm cho 100% lao động với mức thu nhập bình quân gần 4,3 triệu đồng/người/tháng, cổ tức của cổ đông đạt 31%/ năm, tăng 10% so với 2009. Do chăm lo tốt đời sống và việc làm nên người lao động ngày càng gắn bó với nhà máy, với công ty. Nhờ sản xuất ổn định, tăng trưởng, công ty đang là đơn vị dẫn đầu về nộp ngân sách Nhà nước, riêng năm 2010 công ty đã nộp 170 tỷ đồng tiền thuế.

Giảm giờ làm, tặng sổ tiết kiệm

Ở Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan: những năm qua, lao động là vấn đề sống còn đối với ngành May nói chung và đối với Công ty dệt may Hoàng Thị Loan nói riêng. Sự biến động về lao động luôn là vấn đề nóng bỏng do đặc thù lao động vất vả, thu nhập thấp. Những năm qua, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc nên sản xuất của công ty phát triển, cổ tức của cổ đông đạt 13%/năm, thu nhập của người lao động đạt 2.583.000đồng/người/tháng. Giám đốc Nhà máy sợi chị Nguyễn Kim Lộc cho biết: "Mặc dù các đơn hàng, kể cả sợi xuất khẩu, ngay từ đầu năm đã đẩy tải, nhiều khi phải làm thêm giờ, thêm ca. Nhưng nhà máy sắp xếp hợp lý lao động, đảm bảo ngày nghỉ cho công nhân, thực hiện đúng Luật Lao động và các Thông tư hướng dẫn về giờ làm và thu nhập cho người lao động".

Trong tiếng ồn ào của các dây chuyền sản xuất sợi, hàng chục công nhân cần mẫn lao động nghiêm túc. Máy móc hoạt động 24h trong ngày nên lao động ở đây phải làm ca, ca sáng 6h đến 2h chiều, ca chiều từ 2 h đến 10h đêm, ca đêm từ 10h đêm đến 6h sáng. Lao động nữ ngành May nếu không được sự quan tâm của nhà máy, của gia đình hẳn sẽ rất khó khăn. Để ổn định sản xuất, xây dựng thương hiệu ngày càng lớn mạnh, Công ty Cp dệt may Hoàng Thị Loan đã bãi bỏ nhiều qui định trước đây đối với công nhân như: khi vào phải ký quĩ 2,6 triệu đồng/ trong hai năm, học việc phải trả phí, ăn ca phải trả tiền... Nay công nhân vào không phải ký quĩ, học việc không phải trả phí, được hỗ trợ ăn trưa, được hỗ trợ tiền thuê nhà 250.000 đồng/tháng. Đại hội cổ đông tháng 4 vừa qua, công ty đã thống nhất thưởng cho người lao động từ 20-30 triệu đồng (dưới dạng sổ tiết kiệm) nếu công nhân vào làm việc ổn định 5 năm tại nhà máy. Đây là một sáng kiến lớn để người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.

Đầu tư bảo hộ lao động cho người lao động

Trong khi tai nạn lao động xẩy ra nhiều nơi do bảo hộ lao động kém, thiếu sự quan tâm của Chủ doanh nghiệp hoặc sự bóc lột sức lao động của người làm công vẫn tồn tại ở nhiều nơi thì tại một số đơn vị đã thực hiện rất tốt Luật Lao động như: Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty CP bia Sài Gòn- Sông Lam, Vinaconex 16, Vinaconex 20, Công ty ĐT PT nhà số 30....Lao động ở các doanh nghiệp này được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Khi thi công trên tầng cao có dây bảo hiểm, có các loại giàn giáo chuyên dụng. Công nhân có lán, có nhà làm việc ổ định, có chăn màn ấm và các vật dụng cần thiết đảm bảo sức khoẻ.

Ở Cảng Nghệ Tĩnh, nhiều năm qua, được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Liên đoàn Lao động các cấp đánh giá cao về việc chăm lo sức khỏe cũng như chăm lo những giá trị tinh thần cho người lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát, chi phí tăng, vật tư tăng, mỗi năm phải đảm bảo việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho 482 lao động với số tiền trên 25 tỷ đồng nhưng công tác về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng chống độc hại, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân luôn được lãnh đạo Cảng quan tâm và dành kinh phí đầu tư. Đặc thù sản xuất trong môi trường độc hại, nặng nhọc, trong đó một bộ phận là thủy thủ thuyền viên được xác định là lao động trong điều kiện nguy hiểm, độc hại. Đơn vị có nhiều máy móc thiết bị đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Ở Cảng, năng suất lao động cao sẽ giảm thời gian chờ tàu, chờ hàng, tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả doanh nghiệp. Gần 500 lao động ở Cảng Nghệ Tĩnh luôn được đầu tư trang cấp đầy đủ bảo hộ lao động chất lượng và công tác này thường xuyên được kiểm tra, giám sát. Nếu năm 2010, Cảng đầu tư 492 triệu đồng trang cấp bảo hộ lao động cho người lao động thì năm 2011 tăng kinh phí lên 582,4 triệu đồng. Trong đó, kinh phí về an toàn phòng chống cháy nổ 55 triệu đồng, các biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện làm việc 50 triệu đồng, chi phí về chăm sóc sức khỏe người lao động 156,4 triệu đồng, trang bị phương tiện cá nhân 246 triệu đồng...

Công nhân bốc xếp Hoàng Văn Ngữ ở tổ 15 Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò cho biết: "Công việc, không kể đêm ngày bởi phải giải phóng tàu, giải phóng hàng được nhanh nhất. Công việc khá vất vả nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Cảng, lãnh đạo Xí nghiệp, mỗi năm mỗi người được phát hai bộ quần áo bảo hộ lao động, mũ nhựa, giày vải 2 đôi, khẩu trang loại 1 là 6 cái, găng tay vải bạt 12 đôi. Trời nắng nóng công nhân được phục vụ nước chè xanh và đá lạnh để uống. Mỗi năm được nghỉ mát một lần với chi phí ít nhất là 200 ngàn/ ngày. Thu nhập của em hiện được 4 triệu đồng/ tháng".

Cảng Nghệ Tĩnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng máy móc thiết bị tăng năng suất lao động, giảm lao động thủ công. Trước đây việc bốc xếp đá, gạo đều bằng thủ công, nay các mã hàng đều thực hiện bằng máy. Xe tải, máy xúc, cẩu siêu trường siêu trọng... Các chế độ về Bảo hiểm xã hội, tiền lương, ngày lễ, Tết được đảm bảo đầy đủ, chu đáo.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Có thể thấy sự thăng hoa lao động sáng tạo, đánh giá đúng đối với năng lực, sự tôn trọng phẩm giá, sức khỏe của người lao động sẽ càng khiến cho doanh nghiệp được tiếp nhận sự cống hiến, từ đó ngày càng phát triển, uy tín, thương hiệu càng được nhân lên nhiều lần. Như ở Nhật Bản, sự truyền nối nghề nghiệp giữa đời cha cho đến đời con cho một tiệm bánh, quán ăn dù chỉ là làm công, cũng cho thấy ý thức cao của người lao động, đồng thời cho thấy các ông chủ đó đã biết chăm lo không chỉ bản thân người lao động mà còn chăm lo cho cả gia đình của họ.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã rất quan tâm đến người lao động nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp coi nhẹ vai trò vị trí của họ, coi họ như người làm công hưởng lương, chính sách đối xử rất hà khắc. Các chế độ đảm bảo theo Luật Lao động không có hoặc không đầy đủ nên công nhân bỏ việc, đình công vẫn thường xảy ra như ở Công ty may Minh Anh, Công ty Cp XK mỹ nghệ Nghệ An khi tiền công rẻ mạt, giờ làm việc quá tải, các chế độ không có, bữa ăn ca không đảm bảo sức khoẻ... Điều kiện làm việc ở nhiều đơn vị không những không được cải thiện mà còn sa sút hơn. Nhiều người chủ không biết mặt, không nhớ tên người lao động của mình.

Những năm gần đây, tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở miền Nam, cứ sau Tết là thiếu công nhân do công nhân bỏ về quê không trở lại nữa. Một số người mặc dù cố tình nợ tiền công của công nhân hàng tháng để công nhân quay lại nhưng họ vẫn không trở lại. Kế hoạch sản xuất bị phá vỡ do thiếu nhân lực, lại quảng cáo tuyển dụng, lại vẫn tiếp diễn vở kịch cũ...

Tại tỉnh ta, hàng ngàn công nhân trong các khu công nghiệp vẫn chưa có nhà ở tập trung. Họ phải đi thuê nhà giá cao, điện nước cao mà lại khan hiếm. Rất nhiều công nhân bị thất nghiệp đang phải sống một cuộc sống rất khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện lao động lại độc hại, ô nhiễm nặng, càng ảnh hưởng đến sức khoẻ của họ. Các chế độ khác theo qui định như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, ốm đau, dưỡng sức, chưa được quan tâm giải quyết làm cho quyền lợi của người lao động bị vi phạm, tạo nên những bức xúc trong doanh nghiệp, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động không tốt...

Đáng quan tâm một số đơn vị chế độ trả lương thiếu căn cứ pháp lý còn mang tính chủ quan áp đặt, biểu hiện đặc quyền, đặc lợi. Sản xuất tăng trưởng là kết quả hoạt động của cả dây chuyền, là sự đóng góp sáng tạo, tận tuỵ của cán bộ công nhân của cả bộ máy. Vẫn có doanh nghiệp, chỉ có giám đốc được hưởng cơ chế trả lương thưởng luỹ tiến, còn cán bộ đứng ra ngoài. Vì thế, mới có chuyện lương giám đốc gấp hàng chục lần lương công nhân, phó giám đốc và kế toán trưởng, và bộ phận khác, nên có tình trạng cán bộ, công nhân, kỹ sư giỏi bỏ ra ngoài...


Văn Đoàn- Châu Lan