Hội nghị trực tuyến đánh giá 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn
Chiều nay 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010 và đến năm 2020 tại các điểm cầu trên toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại Nghệ An.
(Baonghean) - Chiều nay 15/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010 và đến năm 2020 tại các điểm cầu trên toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì điểm cầu tại Nghệ An.
Thay mặt Ban chỉ đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010, cả nước đã đào tạo nghề cho khoảng 400.000 lao động; hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2006-2010; 55/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án trong năm 2010; Ban chỉ đạo Trung ương tổ chức được 3 hội nghị giao ban toàn quốc, 3 hội nghị giao ban cấp vùng để hướng dẫn, trao đổi và tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương triển khai thực hiện đề án; 43/63 tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên cổng thông tin điện tử, các báo, đài địa phương; năm 2010 thành lập mới 41 trường Trung cấp dạy nghề... Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm củng cố, phát triển trung tâm dạy nghề. Đến nay, còn khoảng 100 huyện chưa có trung tâm dạy nghề, năm 2010 còn thiếu khoảng 2.900 giáo viên dạy nghề.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện Đề án. Năm 2010 là năm đầu triển khai đề án, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn của các bộ, cơ quan trung ương, sự quyết tâm triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương nên các chính sách, giải pháp và hoạt động của Đề án từng bước được triển khai đồng bộ, đúng định hướng. Thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động dạy nghề... Nhiều tỉnh, thành đã xây dựng, phê duyệt đề án cấp tỉnh, xác định cụ thể được mục tiêu, quy mô, ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cụ thể hóa các chính sách, giải pháp, hoạt động của Đề án để triển khai trên địa bàn. 4/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành 19 tiêu chí về triển khai thực hiện Đề án theo hướng dẫn của Trung ương.
Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thực hiện Đề án trong năm 2011 là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp dạy nghề; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho nông thôn...
Các tỉnh, thành cũng đề nghị Chính phủ dành nguồn vốn từ ODA hoặc sử dụng trái phiếu Chính phủ để có nguồn cho lao động nông thôn vay học nghề và tạo việc làm theo chính sách của Quyết định 1956; cho phép hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí của Đề án để mỗi tỉnh xây dựng 1 trung tâm dạy nghề công lập kiểu mẫu...
Đức Chuyên