Giao ban trực tuyến triển khai Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông"
(Baonghean) - Hôm nay 4/4/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức giao ban trực tuyến công tác quản lý Nhà nước Quý I năm 2011 và triển khai Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin - truyền thông" tại 66 điểm cầu truyền hình trên toàn quốc.
Đồng chí Lê Doãn Hợp - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cuộc họp. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Hồ Quang Thành - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cuộc họp; các đồng chí lãnh đạo Sở, Cục Kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực VI, lãnh đạo Viễn Thông Nghệ An, Bưu điện Nghệ An, Viễn thông Quân đội, chi nhánh Viettel tại Nghệ An; Trung tâm Công nghệ thông tin Nghệ An, Nhà Xuất bản Nghệ An và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh tham dự cuộc họp.
Ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã tăng cường chất lượng công tác quản lý Nhà nước về báo chí, định hướng hoạt động báo chí tuyên truyền cho các sự kiện trọng điểm; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản QPPL của ngành (03 văn bản quy phạm pháp luật), triển khai 4 đề án, dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông; tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011.
Tổ chức quán triệt và triển khai Quyết định của UBND tỉnh về những giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;
Chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cùng chia sẻ với Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ và chính quyền các cấp về bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Hoạt động thông tin báo chí đã giữ đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; Chỉ đạo báo chí tập trung tuyên truyền triển khai Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII; Phản ánh tốt các sự kiện chính trị của tỉnh; Công tác quản lý xuất bản, in, phát hành tiếp tục được tăng cường, chấn chỉnh và ngăn chặn có hiệu quả việc in lậu.
Để triển khai tốt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Bộ đã tổ chức 03 Hội nghị để triển khai thực hiện Đề án. Các đại biểu đã cùng nhau đánh giá hiện trạng ngành CNTT-TT, thảo luận các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án và phát triển loại hình đào tạo trực tuyến (về ứng dụng CNTT, tiếng Anh) trên cơ sở khai thác hạ tầng viễn thông băng rộng; đồng thời xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước; Phát triển các điểm truy cập công cộng tại các trường học, nhà văn hóa xã, đồn biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng; Thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, triển khai mạng thông tin di động 3G và các thế hệ tiếp theo... Các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách về CNTT-TT; các biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ và Bộ TT-TT trong quá trình triển khai Đề án như: thành lập Ủy ban đặc biệt về Đề án các quốc gia mạnh về CNTT; cho phép thành lập hội đồng tư vấn như một tổ chức tự do, tự nguyện về phát triển CNTT; các văn bản chỉ đạo QLNN về CNTT phải ra kịp thời...
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế với tổng số thuê bao điện thoại trong cả nước là 162,8 triệu thuê bao (mật độ 189 thuê bao/100 dân); mạng đường trục trong nước và quốc tế được mở rộng với tổng băng thông truyền dẫn trong nước đạt 605,622 Gbps và tổng băng thông truyền dẫn quốc tế lên tới 487,2 Gbps với các tuyến cáp quang biển, đất liền sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến. Hiện tại, có 7 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ đường dài trong nước và quốc tế, 8 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ nội hạt, 7 doanh nghiệp cung cấp viễn thông di động 2G, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động 3G và hơn 90 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet. Năm 2010, tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, Internet đạt 162.120 tỷ đồng (tăng 21% so với năm ngoái); doanh thu công nghiệp CNTT đạt hơn 16 tỷ USD, đã hình thành công nghiệp phần mềm với tốc độ phát triển cao (33%/năm), các hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm được ghi nhận trong số 20 nước đứng đầu thế giới.
Lan Oanh