Nơi khởi nguồn của con đường huyền thoại

27/04/2011 10:39

(Baonghean) - Ngày 19/5/1959, Bác Hồ quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn....

(Baonghean) - Ngày 19/5/1959, Bác Hồ quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn. Điểm xuất phát tại thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) được đánh dấu bằng Cột mốc số 0.Từ đây, đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã phát triển thành một mạng lưới với 5 trục dọc Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang liên hoàn, với tổng chiều dài gần 20.000 km; ngoài ra còn có tuyến đường sông với 500 km, đường ống dẫn xăng dầu với tổng chiều dài 1.400 km.

Ngày 27/11/1972, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 khởi công xây dựng tuyến đường cơ giới Đông Trường Sơn bắt đầu từ Tân Kỳ nối đến tận Lộc Ninh (Bình Phước), đây là con đường huyết mạch cung cấp nguồn hậu cần góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.



Ngày đầu xây dựng Cột mốc số 0


Để có được con đường Trường Sơn với bao chiến thắng hào hùng của một thời kỳ lich sử và có được như ngày hôm nay, phải trải qua một thời kỳ cách mạng lâu dài với bao nhiêu mồ hôi nước mắt, đánh đổi cả sự hy sinh xương máu của bao lớp cha anh đi trước. Qua 16 năm chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 23.000 người anh dũng hy sinh, hơn 30.000 người đã để lại một phần thân thể của mình trên đại ngàn Trường Sơn, hàng chục ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học mà nỗi đau còn dai dẳng cho đến tận bây giờ...

Trong lần về thăm bộ đội Trường Sơn năm 1973, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi, trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm và của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta.”

Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ có vai trò quan trọng trong chiến tranh mà ngày nay còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội… Năm 1989, đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng lại theo tiêu chuẩn quốc gia và gắn với con đường huyền thoại này là Cột mốc số 0. Ngày 27/4/1990, Cột mốc số 0 được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh với tổng chiều dài khoảng 3.167 km. Theo đó, tuyến này được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc và đường ô tô thông thường, đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, từ Cao Bằng, Bắc Kạn tới Bạc Liêu và Cà Mau.


Cột mốc số 0 trở thành điểm du lịch hấp dẫn

Hiện nay, Cột một số 0 đã được xây dựng, sửa sang lại và trở thành một điểm tham quan hấp dẫn với khuôn viên có diện tích 600m2, có nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của thời chiến tranh. Huyện Tân Kỳ cũng đang gấp rút hoàn thành đề án trưng bày hiện vật tại khu di tích Cột mốc số 0 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm 2011.

Đồng chí Trần Văn Minh - Giám đốc Trung tâm VHTT-TT Tân Kỳ cho biết: Từ khi đường Hồ Chí Minh được mở rộng, hàng ngày các đoàn khách trong nước và quốc tế mỗi khi đi qua đây đều dừng chân vào tham quan, tìm hiểu về nơi khởi nguồn của con đường huyền thoại này. Đây còn là nơi phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các địa bàn lân cận.

Với những giá trị đó, Cột mốc số 0 xứng đáng được đầu tư nâng cấp nhiều hơn nữa để xây dựng thành điểm, tuyến du lịch “về nguồn” của ngành du lịch Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung trên con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh.


Đức Chuyên