Ưu tiên đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn

13/05/2011 19:10

Kỳ Sơn là huyện miền núi rẻo cao nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An. Đây là huyện nghèo nhất của tỉnh, và là một trong 9 huyện khó khăn trong cả nước, trên 45% hộ thuộc diện nghèo đói. Trong nhiều năm qua, bên cạnh hỗ trợ đời sống, an sinh xã hội, Trung ương và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách ưu tiên vốn hỗ trợ đồng bào các dân tộc đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.

(Baonghean) – Kỳ Sơn là huyện miền núi rẻo cao nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An. Đây là huyện nghèo nhất của tỉnh, và là một trong 9 huyện khó khăn trong cả nước, trên 45% hộ thuộc diện nghèo đói. Trong nhiều năm qua, bên cạnh hỗ trợ đời sống, an sinh xã hội, Trung ương và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách ưu tiên vốn hỗ trợ đồng bào các dân tộc đầu tư sản xuất phát triển kinh tế.

Nhiều chương trình, dự án được triển khai tập trung vào xây dựng các công trình thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng, khai hoang ruộng nước và hỗ trợ một số cây con mới và xây dựng chuồng trại. Vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi, trong năm 2010 và 4 tháng đầu năm nay, đã đạt 19 tỷ đồng (tính tròn). Riêng năm 2010, vốn được Bộ NN&PTNT cấp cho đề án “Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất” đến 21.333 triệu đồng. Cuối năm đã thực hiện 15.022 triệu đồng. Từ đề án, bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú của huyện đã khai hoang, sản xuất được 74,4 ha ruộng nước. Đây là hiệu quả thiết thực có ý nghĩa giaỉ quyết lương thực lâu dài cho bà con Kỳ Sơn, địa phương có diện tích đất bằng rất ít.

Bên cạnh phong trào cải tạo nguồn nước sinh hoạt của người dân, Nhà nước đã đâù tư vốn xây dựng nhiều công trình thủy lợi lớn. Đó là công trình thủy lợi Na Nhu giá trị 900 triệu đồng; thủy lợi Nậm Càn vốn 1.600 triệu đồng; thủy lợi Yên Hòa vốn đầu tư 1.400 triệu đồng. Ba công trình quan trọng này đã cho nguồn nước tưới ổn định, bảo đảm thêm năm 2 vụ lúa ăn chắc.

Ngoài 3 công trình đã đi vào hoạt động, 2 công trình thủy lợi kè Nậm Mộ và thủy lợi Piềng Vai hiện đang được đầu tư xây dựng (Kè Nậm Mộ vốn đầu tư 6.700 triệu động; thủy lợi Piêng Vai vốn 1.300 triệu đồng), khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết lượng lương thực tại chỗ đáng kể cho Kỳ Sơn.

Đồng bào thiểu số huyện Kỳ Sơn còn được hưởng dự án hỗ trợ phát triển giống bò địa phương. Rút kinh nghiệm trước đây bà con được hỗ trợ giống bò lai sind nhưng hiệu quả không cao, hiện nay bà con được hỗ trợ vốn để chọn lựa giống bò địa phương. Theo đó, năm 2010 đã có 490 con bê chuyển cho các hộ (đạt 100% kế hoạch). 4 tháng đầu năm nay có thêm 160 con bê nữa được chuyển về hỗ trợ cho bà con thuộc vùng dự án.

Ngoài ra bà con còn được đầu tư xây dựng gần 2.000 chuồng trại, giá trị gần 2 tỷ đồng. Để chống các bệnh dịch trên đàn bò địa phương, người chăn nuôi vùng dự án được cấp 3.200 liều vắc xin các loại và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Ngoài ra bà con còn được cấp “gạo bảo vệ rừng” (kế hoạch năm 2010 cấp 2.928 kg tương đương 29 triệu đồng).

Ngay từ khi gạo chưa về nhưng bà con đã hăng hái nhận rừng, trồng khoanh nuôi và bảo vệ. Nhờ vậy, 5 tháng đầu năm nay mặc dù thời tiết khô hanh, nắng nóng nhưng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn vẫn chưa xảy ra vụ cháy nào; kế hoạch trồng rừng mới cũng vượt kế hoạch 10%; nạn khai thác lâm sản bừa bãi được hạn chế.

Có thể nói đề án hỗ trợ sản xuất cho 3 dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái trên địa bàn miền núi huyện Kỳ Sơn đã có tác dụng như một “cú hích” để tăng thêm lực cho nền sản xuất đang trên đà phát triển. Nó cũng thể hiện quan điểm của Đảng ta: hỗ trợ bà con các dân tộc thiểu số ở miền núi cần chú ý cả trước mắt và lâu dài. Trong đó hỗ trợ đời sống là giải quyết lúc khó khăn còn đầu tư phát triển sản xuất mang tính thường xuyên, chiến lược hơn.


Hoàng Chỉnh