Doanh nghiệp Nghệ An nỗ lực xây dựng thương hiệu

22/04/2011 11:08

Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang có những bước đi năng động hơn, từ việc đầu tư đổi mới thiết bị đến xây dựng thương hiệu, sản phẩm đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nội địa, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

Ông Nguyễn Tài Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An cho biết: Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang có những bước đi năng động hơn, từ việc đầu tư đổi mới thiết bị đến xây dựng thương hiệu, sản phẩm đủ sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường nội địa, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt".

Điển hình là Công ty Đầu tư phát triển chè Nghệ An. Hiện Công ty đã đầu tư và xây dựng được vùng chè nguyên liệu gần 8.000ha, trong đó có có 5.000ha chè kinh doanh. Những năm qua, Công ty đã tích cực thay thế giống chè cũ bằng những giống mới như LDP1, LDP2, hồng đỉnh bạch, keo âm tích; đồng bộ hoá các giải pháp kỹ thuật từ khâu trồng, hái đến chế biến mới mục tiêu là nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh.

Để sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là đối với những yêu cầu khắt khe của thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... việc đầu tư mua sắm trang thiết bị sản xuất, chế biến chè luôn được công ty quan tâm. Năm 2005-2010, công ty đã hoàn thành 1 dây chuyền chế biến chè đen Orthodox công suất 16 tấn chè tươi/ngày, 7 dây chuyền chế biến chè xanh công suất 50-60 tấn/ngày, 1 dây chuyền sản xuất chè túi nhúng, chè hương các loại công suất 25-30tấn/năm và 1 trung tâm đấu trộn, đóng gói chè xuất khẩu công suất 6.000-7.000tấn/năm; đầu tư thêm các dây chuyền chè CTC cho XN chè Bãi Phủ và XN chè Thanh Mai.

Bà con xã Nghi Thái (Nghi Lộc) sản xuất chao đèn.


Năm 2010, sản lượng chè tươi đạt gần 25.000 tấn, chè khô đạt gần 6.000 tấn các loại, kim ngạch xuất khẩu gần 7 triệu USD. Chè Nghệ An được nâng cao vị thế, hiệu quả kinh tế và đã có mặt nhiều nơi trên thế giới, được khách hàng đánh giá cao. Vừa qua, Công ty được Chính phủ trao tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực xuất khẩu chè.

Tiêu biểu cho việc khẳng định được thương hiệu còn có Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An. Với 11 công ty trực thuộc, 4 chi nhánh, sản phẩm phân bón do Công ty cung ứng hiện chiếm 75% trên địa bàn toàn tỉnh và vươn ra các tỉnh ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam ( hiện có 3 chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn và thị xã Móng Cái). Riêng về giống cây trồng, Công ty đã chọn tạo những loại giống có năng suất, chất lượng cao và chống chịu được sâu bệnh.

Đặc biệt, đã lai tạo thành công giống lúa thuần "Vật tư NA1", được Bộ Nông nghiệp công nhận đặc cách có thời gian sinh trưởng cực ngắn, được chọn làm bộ giống chủ lực đưa vào cơ cấu trong vụ hè thu chạy lụt; thay hế cho giống Khang dân với chi phí đầu vào về giống giảm từ 4-5 kg/sào xuống 1,2-1,5kg thóc giống/sào. Trong 5 năm qua, đơn vị luôn ở tốp đầu của các doanh nghiệp trong tỉnh, lợi nhuận tăng 337%, cổ tức luôn đạt 20%/năm...


Ông Nguyễn Tài Dũng cho biết thêm: Thực hiện "Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm Nghệ An đến năm 2010" của UBND tỉnh, từ năm 2009 Sở Công thương đã xây dựng và triển khai Đề án "Xây dựng thương hiệu hàng đầu Nghệ An", theo đó 2 năm một lần, Hội đồng bình chọn cấp tỉnh sẽ tiến hành bình chọn nhằm tôn vinh, quảng bá các thương hiệu mạnh cho các doanh nghiệp nội tỉnh.

Để được vào danh sách bình chọn là thương hiệu hàng đầu doanh nghiệp phải đạt 550 điểm theo 3 nhóm tiêu chí trụ cột (nhóm tiêu chí năng lực lãnh đạo, nhóm năng lực đổi mới và nhóm quản lý chất lượng). Có 12 trong tổng số 27 thương hiệu, sản phẩm đợt I được bình chọn là: Xi măng của Công ty Xi măng Hoàng Mai, Chè xanh của Công ty Đầu tư phát triển Chè Nghệ An, giống lúa thuần của Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, đèn lồng tre 2 lớp của Công ty Đức Phong, sản phẩm Granite và ngói gốm sứ của Công ty CP Trung Đô...

Các thương hiệu này không chỉ người tiêu dùng, đối tác nội tỉnh biết đến từ khá lâu mà còn chinh phục được thị trường ngoài tỉnh và nước ngoài. Thương hiệu sau khi được lựa chọn, ngoài việc được phép gắn nhãn sản phẩm quốc gia và giới thiệu miễn phí trên trang web của Chương trình thương hiệu hàng đầu Nghệ An "Nghệ An Top Brand", còn được tư vấn về xây dựng và phát triển thương hiệu xuất khẩu, được ưu tiên khi tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.


Nghệ An hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp với hàng chục ngàn sản phẩm. Con số 12 doanh nghiệp/27 thương hiệu được bình chọn để suy tôn là quá ít. Chính vì thế, chặng đường để hình thành đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh vẫn còn dài, nhưng doanh nghiệp Nghệ An hoàn toàn có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương nếu biết chăm chút và phát triển thương hiệu.


Ngọc Anh