Tấm gương sáng ngời của người cộng sản

22/04/2011 18:06

(Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2011)Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941)...

(Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24-4-1906 - 24-4-2011)


Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (1906-1941) thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên tham gia đấu tranh vận động và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 7-1936 đến tháng 3-1938) khi vừa mới bước vào tuổi 30. Với trí thông minh, ý chí, bản lĩnh đầy sáng tạo, ông đã có nhiều cống hiến to lớn cho Đảng và cho phong trào cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động, nhiều khó khăn và thử thách.


Ngay từ nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống hiếu học và yêu nước của gia đình, dòng họ, quê hương. Lên 7 tuổi, ông bắt đầu đi học ở trường xã, 11 tuổi học xong lớp 3. Năm 1919, nhà trường tổ chức thi tuyển học sinh giỏi để xét cấp học bổng, ông trúng tuyển với số điểm cao. Sau đó, ông học lớp Thành chung ở Quốc học Huế.

Năm 1923, ông tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu. Với kết quả đó, ông có thể vào trường Đại học, nhưng gia cảnh quá nghèo nên ông phải thôi học và xin về làm giáo viên tiểu học ở thị xã Nha Trang (1923-1926). Đây là thời gian mà ông đọc rất nhiều sách báo về chủ nghĩa cộng sản. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nước, ông đã sớm bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng khi chưa tròn tuổi 20.


Tháng 8-1926, ông bị công sứ Nha Trang kết tội chống Pháp và ra lệnh trục xuất khỏi Nha Trang. Rời Nha Trang, ông về Vinh và tham gia giảng dạy ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, đồng thời bí mật tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt. Ông vừa dạy chữ Quốc ngữ cho công nhân, vừa tham gia tuyên truyền, khơi dậy, thúc đẩy tinh thần yêu nước.

Được sự giúp đỡ của tổ chức, ông thành lập chi bộ thanh niên ở ngay lớp học văn hóa của công nhân. Do bị mật thám theo dõi ráo riết, ông được tổ chức giao nhiệm vụ chuyển vào hoạt động ở Sài Gòn. Tháng 3-1927, ông xin vào dạy học tư thục để che mắt địch, đi vào các xóm nghèo, xóm thợ và cả trong hàng ngũ trí thức để gây cơ sở cách mạng.

Ông đã thành lập được một số chi hội địa phương của Hội Hưng Nam tại miền Nam, tổ chức huấn luyện chính trị, dịch sách Mác xít, phát động và tổ chức học sinh bãi khóa chống chế độ giáo dục thực dân, tổ chức đình công trong các đồn điền... rất hiệu quả. Cuối năm 1928, ông được Kỳ bộ Nam Kỳ Đảng Tân Việt cử đi Trung Quốc để thương lượng với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên về vấn đề hợp nhất hai tổ chức.

Tháng 7-1929, ông được giới thiệu sang học ở Trường Đại học Phương Đông (khóa 1929-1932). Tại Đại hội I của Đảng (1935 tại Ma Cao), ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Ban Thường vụ, được cử làm Thư ký của Đảng. Hội nghị BCH TƯ Đảng họp ngày 26-7-1936 đã bầu ông giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 5-1938, sau một thời gian về nước hoạt động, ông bị bắt ở Sài Gòn rồi bị trục xuất về quê để quản thúc.

Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng- Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. (Ảnh Hà Tĩnh o­nline)


Năm 1940, địch đưa ông vào Sài Gòn để xử lại, tuyên án ông 5 năm tù. Đến ngày 25-3-1941, chúng lại tuyên án tử hình. Trong những ngày bị giam trong khám lớn Sài Gòn, ông luôn giữ vững một tinh thần lạc quan với niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam.


Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đi xa khi vừa tròn tuổi 35. 16 năm hoạt động cách mạng, thời gian hoạt động không dài nhưng cố Tổng Bí thư đã để lại cho chúng ta nhiều di sản quý giá. Đó chính là những luận điểm nghiên cứu lý luận chính trị về giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chủ nghĩa cộng sản; là kinh nghiệm trong hoạt động xuất bản báo chí công khai hợp pháp và nửa hợp pháp của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ.

Đó còn là những nghiên cứu lịch sử có giá trị, là khả năng dự báo sớm tình hình, khả năng nắm bắt thời cơ, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để đưa ra những quyết sách phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Không chỉ là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, một nhà báo với nhiều tác phẩm và văn kiện có giá trị luôn mang tính chiến đấu cao, ông còn là người luôn biết truyền lại cho mọi thế hệ trẻ niềm tin và sức mạnh vượt lên mọi khó khăn thử thách. Ông mãi nêu cao tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hướng tới lý tưởng cao đẹp.


Nguyễn Thị Thọ