Tăng cường chống thất thu thuế tài nguyên khoáng sản

11/05/2011 10:41

Nhằm hạn chế các hoạt động khai thác tự phát tràn lan gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp chống thất thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác và thu mua tài nguyên khoáng sản, tăng thu cho ngân sách nhà nước....

Nhằm hạn chế các hoạt động khai thác tự phát tràn lan gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp chống thất thu thuế, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác và thu mua tài nguyên khoáng sản, tăng thu cho ngân sách nhà nước....

Thu thuế trong lĩnh vực thuê đất, tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Theo số liệu thống kê năm 2010 của Sở Tài nguyên & Môi trường, toàn tỉnh hiện có trên 330 đơn vị khai thác đất, đá, cát, sỏi, trong đó có 57 doanh nghiệp nhà nước, 261 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế dân doanh, 16 hợp tác xã, 12 đơn vị được Bộ TNMT cấp giấy phép khai thác, 281 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực.

Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, trốn thuế, phá huỷ môi trường nhưng việc quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện nay chỉ thực hiện được đối với các cơ sở có địa điểm cố định.


Khai thác đá trắng ở Quỳ Hợp.


Việc thu thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cá nhân trực tiếp khai thác cát, sỏi, đất, đá hầu như chưa quản lý được do không có qui hoạch, địa bàn rộng, khai thác chủ yếu bằng thủ công, địa điểm không cố định, dẫn đến tình trạng không kê khai hoặc kê khai thiếu số lượng.

Theo số liệu qua một đợt kiểm tra của phòng cảnh sát giao thông đường thuỷ, trong số 55 điểm bến bãi khai thác đá nguyên liệu đến nay chỉ có 05 đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai thác mỏ. Các bến còn lại chủ yếu do chính quyền phường, xã hợp đồng cho thuê bến, bãi và hàng tháng, quí hoặc năm tiến hành thu một khoản phí "lệ làng". Ngoài việc thất thu thế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn thất thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. (Ước tính giá trị lượng tài nguyên khai thác phục vụ cho các công trình xây dựng gần 500 tỷ đồng/năm).


Trước thực trạng trên, Cục Thuế Nghệ An đã xây dựng Đề án và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các qui định chặt chẽ về "quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác và thu mua tài nguyên khoáng sản trên địa bàn". Trọng tâm là tăng cường tính tự giác, gắn trách nhiệm có tính bắt buộc về thuế đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi khai thác, mua bán khoáng sản.

Giải pháp đầu tiên được đưa ra là tiến hành khảo sát tình hình khai thác, thu mua tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Từ đó, có văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn phải kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân khi thu mua tài nguyên khoáng sản để sản xuất, kinh doanh phải có hoá đơn của người bán. Trường hợp không có hoá đơn thì người mua phải có trách nhiệm kê khai, nộp thay thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cho người khai thác đối với lượng tài nguyên mua vào không có hoá đơn. Song song với đó, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm Cục Thuế, Sở Tài nguyên Môi trường, Công an và Quản lý thị trường để kiểm tra việc vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.


Việc thực hiện các giải pháp trên đã góp phần nâng cao tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc trong khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, hộ cá nhân khi khai thác, khi mua bán tài nguyên khoáng sản.

Nhờ đó, thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An 6 tháng đầu năm 2009 tăng 18 tỷ đồng, 9 tháng năm 2010 tăng 25 tỷ đồng, đến cuối tháng 4/2011 đạt 48 tỷ đồng, tăng lên 30 tỷ đồng, dự kiến các năm tiếp theo trung bình sẽ tăng khoảng 35-40 tỷ đồng.


Theo dự báo của ngành xây dựng, trong những năm tới, nhu cầu về đất, đá, cát, sỏi dùng cho xây dựng, san lấp mặt bằng, làm nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm xây dựng và các tài nguyên khoáng sản sẽ còn gia tăng theo tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Ước tính mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần khoảng2 triệu m3 đất, 10 triệu m3 đá, cát, sỏi các loại cho hoạt động xây dựng, hàng trăm ngàn m3 đá trắng, 4.000 tấn thiếc... Do vậy, cần tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tăng thu cho ngân sách tỉnh.


Khánh Ly