Lễ hội Làng Sen trong đời sống của người dân Nam Đàn

13/05/2011 18:59

Mỗi tháng Năm về, khi hoa sen bắt đầu nở rộ, khi màu chín vàng của lúa trải rộng khắp các cánh đồng, người dân quê Bác lại bồi hồi xúc động nhớ Bác, nghĩ về Bác với tấm lòng thành kính và rạo rực chuẩn bị cho một lễ hội Làng Sen mới.


Lễ hội Làng Sen được khởi nguồn và nâng lên từ Liên hoan Tiếng hát Làng Sen (LHTHLS). Vì thế, có thể nói LHTHLS là "linh hồn" của Lễ hội Làng Sen. Có lẽ, không có huyện nào trong tỉnh duy trì đều đặn LHTHLS đủ 30 năm (bắt đầu từ năm 1982) và có quy mô rộng như ở huyện quê Bác. Ngoài 24/24 xã, thị trấn, còn có nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tham gia liên tục từ năm 1982 đến nay.

LHTHLS huyện Nam Đàn không mang tính đại diện mà mang tính cộng đồng. Năm 2005, có tới 34 đoàn tham gia và từ đó đến nay thường xuyên duy trì số lượng đoàn tham gia đông như vậy. Người dân Nam Đàn luôn tâm niệm: Hát về Bác, đó là lời tâm nguyện, lời hứa danh dự, hát về Bác để nguyện suốt đời học tập đạo đức cao cả của Người, hát về Bác để nhắc nhở mọi người thực hiện thành công di chúc thiêng liêng của Người.

Rước ảnh Bác tại Lễ hội Làng Sen. Ảnh: Sỹ Minh


Cũng chưa có nơi nào sân khấu Liên hoan Tiếng hát Làng Sen lại có đủ các thế hệ tham gia như ở Nam Đàn. Từ cháu bé 5 tuổi hát dân ca "Bác Hồ với cháu" (cháu Quốc Bảo ở Làng Sen) đến các cụ ông, cụ bà với tiết mục hát phường vải của xã Kim Liên (cả 6 cụ nay đã trên 80 tuổi và tham gia liên tục nhiều năm nay).

Có gia đình, cả 4 chị em đều tham gia biểu diễn như gia đình bà Bùi Thị Lai - giáo dân xã Nam Lộc, hay như gia đình bà Thủy ở Kim Liên, mẹ chuyên đặt lời cho con gái hát. Đặc biệt, hiếm có nơi nào như ở Nam Đàn, có một người thương binh 1/4 chưa hề vắng mặt kỳ Liên hoan nào trong suốt 29 năm qua.

Đó là bác Nguyễn Đăng Khoa - xã Nam Lĩnh. Đã 70 tuổi nhưng niềm đam mê được biểu diễn tại sân khấu Liên hoan Tiếng hát Làng Sen của người thương binh mù cả 2 mắt này vẫn chưa hề vơi cạn.

Tiết mục hòa tấu nhạc cụ của bác (miệng thổi kèn, tay đàn, chân trống) luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả và năm nào cũng đạt giải tiết mục xuất sắc. Bác còn giành được rất nhiều giải thưởng về cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp huyện đến cấp TƯ. Tất cả đều xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của một người con quê Bác đối với Bác kính yêu.


Năm 2002, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen được nâng lên thành Lễ hội Làng Sen, cũng là năm huyện Nam Đàn triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa của tỉnh. Lễ hội Làng Sen với Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và nhiều hoạt động văn hóa khác không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Nam Đàn mà còn là động lực to lớn khơi dậy lòng hăng hái nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Bác ngày càng giàu đẹp, văn minh - trở thành huyện điểm văn hóa của tỉnh.


Qua 10 năm tổ chức Lễ hội Làng Sen, 10 năm Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa Nam Đàn đi vào cuộc sống cho thấy, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, làng, xóm, khối, đơn vị văn hóa càng phát triển sâu rộng trên địa bàn. Điều đó không chỉ được thể hiện ở sự gia tăng về số lượng các danh hiệu văn hóa mà đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rầm rộ cùng với sự ra đời của hàng chục Câu lạc bộ văn hóa thể thao đã đáp ứng nhu cầu tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của người dân Nam Đàn.

Điều quan trọng nhất là việc tổ chức Lễ hội Làng Sen cũng như việc thực hiện Đề án xây dựng huyện điểm văn hóa đã khơi dậy lòng tự hào của mỗi người dân, mỗi gia đình và cả cộng đồng và đã có tác động tích cực đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh trật tự của huyện nhà.


Như vậy, từ thực tế 30 năm Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, 10 năm Lễ hội Làng Sen cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân quê Bác nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.


Hồ Anh Mai