Tìm giải pháp né tránh thiên tai, dịch bệnh cho vụ hè thu

09/05/2011 17:36

Rút kinh nghiệm thất bại năm trước, bước vào vụ hè thu, vụ mùa năm nay, Sở NN&PTNT Nghệ An đã tổ chức hội nghị toàn ngành để tham khảo ý kiến của các chuyên gia về khí tượng thuỷ văn, bảo vệ thực vật, giống nhằm tìm giải pháp né tránh được hạn hán, bão lụt… đảm bảo cho vụ hè thu an toàn, năng suất cao.

(Baonghean) - Rút kinh nghiệm thất bại năm trước, bước vào vụ hè thu, vụ mùa năm nay, Sở NN&PTNT Nghệ An đã tổ chức hội nghị toàn ngành để tham khảo ý kiến của các chuyên gia về khí tượng thuỷ văn, bảo vệ thực vật, giống nhằm tìm giải pháp né tránh được hạn hán, bão lụt… đảm bảo cho vụ hè thu an toàn, năng suất cao.

Vụ hè thu, vụ mùa 2010 đã bị thất bát nặng nề, trong đó lúa hè thu, lúa mùa bị thiệt hại lên tới 59.654 ha và 30.588 ha ngô, rau màu, mà nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán, lũ lụt.

Hội nghị toàn ngành có các chuyên gia về khí tượng thuỷ văn, bảo vệ thực vật, giống và lãnh đạo chủ chốt của các huyện, thành, thị nhằm tìm một hướng đi mới theo hướng làm sao vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới vừa bảo đảm phòng trừ được các loại dịch bệnh nguy hiểm, như bệnh lùn sọc đen lúa, né tránh được hạn hán, bão lụt…đảm bảo cho vụ hè thu an toàn với năng suất, sản lượng cao. Mục tiêu vụ hè thu năm 2011 được Sở NN&PTNT đề ra là phấn đấu gieo cấy 97.000 ha lúa (trong đó có 55.000 ha lúa hè thu và 42.000 ha lúa mùa), 13.000 ha ngô cùng các loại cây trồng khác như: lạc 2.000 ha, đậu, đỗ 7.000 ha, vừng 6.000 ha, rau các loại là 9.000 ha (trong đó dưa hấu chiếm 1.000 ha)…

Ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT) cho biết: Để đảm bảo được các mục tiêu trên, yếu tố giống lúa hè thu và lúa mùa sớm được cơ cấu phải ngắn ngày (thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày) và phải được sản xuất an toàn tại các địa phương. Không đưa các giống nhiễm rầy nặng để tránh bệnh lùn sọc đen. Đối với vùng đất thấp, chạy lụt phải bố trí các giống lúa có thể thu hoạch xong trước 05/9/2011; ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày như Việt lai 20, Việt lai 24, Q.ưu 1, Q.ưu 6, PAC807, PC6; nếp 352, nếp 87… Có thể sử dụng các giống lúa như: Khải Phong 7, TH 3-3, TH 3-4, TH 3-5, Bắc ưu 11, Bio 404; Syn 6; Nghi hương 2308, Bắc thơm số 7 và nếp 97… Để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho diện tích lúa hè thu và lúa mùa, đề nghị các địa phương chuyển diện tích không có khả năng tưới nước sang trồng ngô. Sử dụng các giống ngô chịu hạn, có thời gian sinh trưởng ngắn để đảm bảo chắc ăn. Trong đó nên ưu tiên sử dụng các giống ngô chịu hạn tốt như: C 919, B 06, NK 66, NK 67, NK 6326, CP 888, LVN 10; LVN 14 và các giống ngô nếp ngắn ngày có năng suất cao như MX2, MX4...

Ông Nguyễn Văn Lập (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) cho biết thêm: Điều quan trọng để vụ hè thu năm nay không lặp lại như năm ngoái là ngay từ bây giờ, các địa phương phải đánh giá được ảnh hưởng của thời tiết trong vụ xuân 2011. Đây là yếu tố quan trọng giúp việc hoạch định chính xác thời vụ gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa. Ngoài các yếu tố phải lo tiết kiệm nước, né tránh được lũ lụt còn phải nhận định tốt tình hình dịch bệnh nhất là bệnh sâu cuốn lá nhỏ, lùn sọc đen, sâu đục thân tại địa phương mình.

Việc sử dụng nước trong các hồ đập và các nguồn nước tự chảy trên địa bàn cần có phương án phù hợp. Phải lưu ý một số giải pháp sau đây: Tuyệt đối không làm vụ hè thu bằng mọi giá. Những vùng chắc chắn thiếu nước tưới thì chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn; phải bắc mạ sớm để giảm bớt thời gian sinh trưởng của cây lúa trên ruộng và kịp cấy khi vừa thu hoạch xong lúa xuân. Không dùng các giống lúa có thời gian sinh trưởng trên 110 ngày trong vụ hè thu, nhất là diện tích ruộng thấp trũng, phải chạy lụt. Các địa phương phải tuyên truyền để người dân có ý thức tiếp kiệm nguồn nước sẵn có trong các hồ, đập và chủ động xây dựng các tình huống chống hạn cho lúa hè thu khi thời tiết diễn biến phức tạp.


Ngọc Anh