Sắp hạn chế nhập khẩu ôtô, điện thoại

06/05/2011 07:52

Theo Bộ Công Thương, tình hình nhập siêu trong thời gian vừa qua đã lên đến mức báo động. Vì vậy, để khống chế tình trạng này, sắp tới các mặt hàng xa xỉ chiếm tỷ trọng lớn như ôtô, điện thoại, mỹ phẩm, rượu ngoại…sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.

Nhập siêu đang ở mức báo động

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 1,8% so với tháng 3 nhưng tăng 30,2% so với tháng 4/2010, trong đó, nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 4,8 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng 3 nhưng tăng 25,6% so với tháng 4/2010; nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm 2,0% so với tháng 3 nhưng tăng 36,4% so với tháng 4/2010.

Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 31,83 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 17,95 tỷ USD, tăng 24,5%; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 13,88 tỷ USD, tăng 35,5%.

Trong khi đó, tình hình nhập siêu cũng đã tăng mạnh mẽ. Riêng tháng 4, nhập siêu ước khoảng 1,4 tỷ USD, chiếm khoảng 19,2% kim ngạch xuất khẩu; tính chung 4 tháng khoảng 4,9 tỷ USD, chiếm 18,2% kim ngạch xuất khẩu.

Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất siêu trên 1,3 tỷ USD (không kể dầu thô - nhập siêu 1,15 tỷ USD). Ngoài ra, do kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, ASEAN vẫn tiếp tục tăng mạnh nên nhập siêu từ Trung Quốc lên đến gần 4 tỷ USD và từ ASEAN khoảng 2,6 tỷ USD.

Theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, với những con số trên, nhập siêu đang ở mức báo động. Vì thế, để khống chế tình trạng này, Bộ Công Thương cần kiến nghị Chính phủ giải pháp hạn chế nhập khẩu mặt hàng xa xỉ chiếm tỷ trọng lớn này như ôtô, điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu ngoại.

Còn theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, mặc dù tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD/tháng, mức cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan và thỏa mãn trước kết quả đạt được. Bởi vì trên thực tế, việc thực hiện chính sách chặt chẽ, thận trọng trong lĩnh vực tiền tệ và cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết trong lĩnh vực đầu tư; giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng; chi phí phục vụ sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và tiêu thụ của một số ngành.

Từ tháng 5 trở đi, hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng như tiêu thụ thị trường nội địa của các doanh nghiệp, sẽ ít nhiều gặp trở ngại do giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng cao và độ trễ của chính sách cũng như tác động của nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ.

Tăng cường siết chặt nhập hàng xa xỉ

Theo ông Phan Xuân Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, trong bốn tháng qua, các doanh nghiệp trong nước đã chi trên 1,5 tỉ USD để nhập khẩu các mặt hàng trong danh mục hạn chế nhập khẩu. Trong đó, ôtô nguyên chiếc nhập khoảng 21.000 chiếc, tương đương 400 triệu USD; trên 400.000 điện thoại di động các loại, trị giá trên 10 triệu USD...

Cũng theo ông Chinh, nguyên nhân của việc nhập siêu tăng cao là do hiện đồng tiền Việt Nam đã lên giá 1,2% so với đồng USD, trong khi đó tỷ giá cũng đã giảm từ mức kịch trần là 20.900 đồng/USD xuống còn 20.650 đồng/USD. Như vậy với 1 triệu USD tiền hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp bị lỗ khoảng 250 triệu đồng (tất nhiên điều này chỉ xảy ra trong một chu kỳ ngắn).

Cùng với đó, việc tiếp cận ngoại tệ cũng có thuận lợi hơn, điều này đang đã điều kiện cho việc nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng, tuy nhiêu điều này cũng tạo áp lực nhập siêu từ chính nhóm hàng này trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu, Vụ Xuất nhập khẩu cần có biện pháp cụ thể hơn quản lý năm mặt hàng mà Chính phủ yêu cầu xem xét như ôtô, điện thoại di động, hàng xa xỉ, mỹ phẩm, rượu ngoại… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cần có biện pháp hành chính để hạn chế nhập khẩu nhằm tạo ra sự chuyển biến ngay từ tháng 5 và đi vào ổn định vững chắc trong các tháng tiếp theo. Kiên quyết khống chế nhập siêu không quá 16%.

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường; tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp bán để góp phần bình ổn thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo.

Ngoài ra Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu, rà soát các chương trình, dự án đầu tư; xây dựng nguyên tắc, quy trình kiểm soát hàng hóa, vật tư, thiết bị của các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được; sắp xếp lại các dự án, các nhiệm vụ chi để tiết kiệm 10% chi thường xuyên.

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện không tiết giảm điện, nhất là điện cho sản xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, có kế hoạch cụ thể huy động công suất các nhà máy điện, đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô năm nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói.


Theo VnMedia