Cán bộ ta, nói và làm đều phải giỏi!

06/05/2011 19:16

Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị đã, đang và sẽ góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Họ là gương để quần chúng noi theo, xây dựng lối sống mới, đấu tranh chống tiêu cực xã hội. Bởi thế, trong công tác cán bộ thì sự nghiệp xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ chính trị vừa cơ bản, lâu dài, nhưng lại cấp bách hơn bao giờ!

(Baonghean) - Trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị đã, đang và sẽ góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Họ là gương để quần chúng noi theo, xây dựng lối sống mới, đấu tranh chống tiêu cực xã hội. Bởi thế, trong công tác cán bộ thì sự nghiệp xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ chính trị vừa cơ bản, lâu dài, nhưng lại cấp bách hơn bao giờ!

Từ những năm tháng gian khổ, nhiều thử thách cam go lắm lúc tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn có ý thức răn dạy, đòi hỏi cao đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chính trị. Họ phải đáp ứng được những yêu cầu của đạo đức mới, nền đạo đức XHCN trên cả 3 phương diện: đối với bản thân, đối với người khác và đối với công việc. Góp phần giúp bạn đọc nhận thức đúng, đủ, kịp thời thực trạng đạo đức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chính trị trong nền kinh tế thị trường, hội nhập nước ta trong những năm gần đây, từ đó đề ra những giải pháp hữu hiệu; trong số những đầu sách hướng về đề tài này, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Đạo đức người cán bộ lãnh đạo chính trị hiện nay-thực trạng và giải pháp (2005).

Với 3 chương sách, trong đó chương cuối các soạn giả đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức cho đội ngũ lãnh đạo chính trị nước ta hiện tại. Ở chương quan trọng này, việc nâng cao phẩm chất đạo đức người cán bộ trong quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, với công tác giáo dục- đào tạo, với xây dựng chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống tiêu cực... được các soạn giả đặc biệt chú ý.

Đạo đức của con người nói chung, phải được thẩm định trước hết bằng động cơ, thái độ, hiệu quả lao động; bằng sự đóng góp rõ nét đối với xã hội; bằng lời nói đi đôi với việc làm... Đạo đức mới, đạo đức Hồ Chí Minh hoàn toàn xa lạ với kiểu lao động hình thức, tắc trách, kém hiệu quả và vụ lợi cá nhân. Bàn về đạo đức mới, đạo đức cách mạng chúng ta luôn có niềm hạnh phúc được soi rõi trong tấm gương đạo đức Bác Hồ. Ngay từ chương đầu, cuốn sách nêu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về những yêu cầu đạo đức đối với cán bộ đảng viên. Bác dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân!”. Nói cụ thể thì đạo đức đó cần đảm bảo được các nội dung sau:

- Đối với mình, nêu tấm gương sáng về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

- Đối với người khác, chủ yếu với nhân dân, mình vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ” trung thành được dân tin cậy.

- Đối với công việc thì tận tuỵ, trách nhiệm cao, có hy sinh thua thiệt cũng không nề hà.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về người cán bộ nói chung, là nói phải luôn đi đôi với làm. Mà có khi làm trước nói sau, lặng lẽ làm mà không cần nói điều gì cả, bởi “cái cốt lõi của đạo đức cách mạng, của cuộc cách mạng trong đạo đức, không phải chỉ là thuyết giáo giải thích về đạo đức mà còn phải hành động, dựa trên một quan niệm về đạo đức mới”.

Xuất phát từ nhiều mục đích, nhiều góc độ, nhiều cách phân tích biểu đạt khác nhau, song hầu hết các bài viết trong cuốn sách nói trên đều gặp nhau tại một tâm điểm. Đấy là tư tưởng đạo đức, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đặc biệt sáng trong, cao thượng, thiêng liêng nhưng cũng hết sức gần gũi mọi người, dễ hiểu dễ nhớ và ai có quyết tâm có lòng yêu nước thì đều làm theo được cả! Những năm gần đây, chúng ta phát động cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh nhiều tấm gương điển hình góp phần làm cho các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường thì vẫn còn không ít cá nhân, vụ việc xảy ra khiến Anh linh của Bác phải buồn phiền.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI(1/2011) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước.” Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hơn một lần báo động tình trạng có những người nói tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất hay, đúng hết, nhưng rất tiếc họ lại không mẫu mực trong lối sống, trong công việc. Những người ở cấp bậc cao thì thực hiện đạo đức Bác Hồ không bằng những người cấp dưới. Cuối cùng, Đại tướng nhấn mạnh với tất cả những ai học Bác: “Hiểu, thấm nhuần lời Bác và phải làm theo Bác. Làm! Làm! Làm! Và làm!”.

Xin trở lại với đạo đức người cán bộ dưới chế độ ta. Bác Hồ khi nói chuyện với cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (ngày 9/12/1961), có đoạn Người chỉ rõ: “Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên”. Bác còn yêu cầu rất cao: “Các đồng chí phải làm việc rất nhiều. Đảng ngày càng cần nhiều cán bộ đảng viên bất kỳ làm việc gì cũng phải gương mẫu”. Đạo đức người cán bộ phải thế, đạo đức người cán bộ lãnh đạo chính trị ở nước ta, hôm nay và ngày mai, càng phải thế!


Kim Hùng