Nhớ Miền Tây…

05/04/2011 11:35

(Baonghean) - Đọc bài báo “Nậm Cắn trong tôi” của PV Trần Hải, tôi bỗng nhớ Kỳ Sơn, nhớ miền Tây Nghệ An quá. Cách viết mộc mạc nhưng sâu lắng của anh dẫn dụ lòng người, khiến người ta nhớ thương những mái nhà sàn thâm nâu “bé tin hin” trên sườn núi, những mùa đào trong mây Mường Lống và nét buồn tự ngàn đời của các em gái vùng cao gửi ước mơ vào khung cửi…

Đã tháng 3 rồi, hoa rừng có lẽ đã nở bung khắp đại ngàn. Khắp Nậm Mộ, Nậm Nơn, Khe Khặng, sông Giăng… những con sông dòng suối miền Tây nơi chúng tôi từng được đi qua chắc mùa này đẹp lắm. Miền Tây xứ Nghệ với bao cảnh sắc đọng lại trong cánh phóng viên chúng tôi sau những chuyến vùng cao trở về không phải núi non điệp trùng, suối sông thơ mộng… mà nỗi ám ảnh về những bữa “cơm” sắn của đồng bào Đan Lai, là những bàn chân trần đến trường của những em bé vùng cao trong mùa đông giá, là em bé Khơ Mú mái tóc bù xù cầm chai đi mua rượu cho bố, là những hạt sương đêm đông đọng trên vành mũ các chiến sỹ biên phòng…

Nợ miền Tây nhiều lắm !


Đại ngàn Miền Tây.

Miền Tây, nơi chúng tôi vội vã đến, vội vã đi… để lại bản làng những chờ trông tin cậy… Trước Tết Tân Mão, tôi lên Kỳ Sơn, chị em ở bản Na, xã Hữu Lập nghe tin có phóng viên Báo Nghệ An đến, tất cả mặc những bộ váy đẹp nhất và chờ đón tôi ở nhà văn hóa của bản, dù chưa một lần biết tôi. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự đón tiếp nồng hậu đó. Và tôi đã đi thăm khắp bản, đã chụp ảnh lưu niệm với các chị, nghe những lời tâm sự, những ước mơ… Nhiều chị chưa từng ra thị trấn Mường Xén một lần, quanh năm miệt mài bên khung cửi. Bán được ít lúa, nhờ người mua được ít chỉ, dệt khăn, dệt váy. Dệt xong bán không được, lại tháo ra dệt lại... Tôi đã rất cảm động khi chị Xá Thị Hà, một người phụ nữ tật nguyền, đôi chân chị phải khó nhọc lắm mới bước từng bước, thế mà đêm khuya vẫn miệt mài bên khung cửi, dệt từng chiếc khăn tơ thật đẹp bán cho du khách tận Hà thành… Với nghị lực phi thường chị còn vận động được 17 chị trong bản mỗi người góp 1 triệu đồng để ra tận Hà Nội tìm bạn hàng thổ cẩm. Số tiền đó hầu hết các chị phải vay mượn của bà con, làng xóm.

Có lần lên với đồng bào Đan Lai, ra về tôi lại để quên sổ tay. Các thầy cô ở trường tiểu học Môn Sơn 2 trong bản Cò Phạt đã thay nhau viết đầy trang sổ của tôi, tâm sự bao điều, rồi gửi xuống cho tôi. Nhận được cuốn sổ mà thương trào nước mắt. Hình ảnh những thầy cô ở nơi thâm sơn cùng cốc, sau tiếng rẽ nước của con thuyền du khách, tất cả lại rơi vào im lặng. Tôi biết, mà không thể làm được gì….


Sông Nậm Nơn ở Tương Dương.

Có lần đến Tương Dương vào lúc nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ mênh mang, trên hồ những chiếc bè vừa cập bờ với bao gia đình cùng nồi niêu, trâu bò rời bản quán về khu tái định cư dưới Thanh Chương. Nhiều chị đứng trên bè soi gương mặt mình xuống sông rồi ôm mặt, khóc. Lòng tự hỏi, sẽ xuống thăm nhà của các chị ở quê mới, thế nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Lại nhớ, gần mười năm trước (năm 2002), tôi được ban biên tập giao nhiệm vụ tuyên truyền chiến dịch giao thông ở Tương Dương. Những vực sâu thăm thẳm bên núi cao dựng đứng khiến tôi phải nhắm mắt lại khi ngồi sau chiếc Minsk lên với Hữu Khuông, Lượng Minh. Thế nhưng, từng đoàn người treo mình bên sườn núi đẽo đá, đào đất ngày ngày, để rồi những con đường hiện dần lên như sợi chỉ trắng vắt qua non ngàn. Tôi đã có những bức ảnh đẹp khi xuống vực chụp ngược lên. Tấm ảnh đó tôi suýt bỏ mạng. Nhưng tôi đã rất sung sướng và cảm động vì nhờ sự giúp đỡ của các anh chị cán bộ địa phương tôi đã được an toàn…


Ươm mầm xanh trên núi.

Tháng 3, mùa Xuân đang chín ở miền Tây. Bao nhiêu sắc hoa rực rỡ trên sườn núi, ven khe suối… Với miền Tây xứ Nghệ, tôi chưa được đi nhiều, nhưng một lần đến là thêm một lần cảm nhận thực cuộc sống, nơi những lòng chảo đầy ắp lúa ngô non, những bóng cây ngàn đời chở che cho bản làng, giữa trưa nắng vẳng nghe một tiếng chim gọi bạn, nơi đi mãi mới thấy một mái nhà, hẳn không có bon chen nơi đây.

Miền Tây - dẫu còn nhiều vất vả nhưng tấm lòng luôn chờ đón bất cứ ai về.

Ôi chao là nhớ! …màu tim tím của bông lau thủy chung nơi núi đồi, loài hoa mộc mạc đã làm nên hạnh phúc của bao gia đình miền núi. Nhớ những gương mặt trẻ trung của các kỹ sư nơi nhà máy thủy điện Bản Vẽ, những chàng thanh niên xung phong ở Huồi Tụ, các bạn tôi lên gieo mầm chữ trong các bản làng xa tít. Họ đã đến và ở lại, không như chúng tôi, vội vã đến, vội vã đi…


Châu Lan