Sinh viên và muôn nẻo đường làm thêm

28/04/2011 11:26

(Baonghean) - Giữa thời buổi “gạo châu, củi quế”, các khoản chi phí để học tập và trang trải cho cuộc sống của sinh viên đều đua nhau tăng giá, vì thế, rất nhiều sinh viên đã phải đi làm thêm để đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.

Trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) hiện có 3 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, 10 trường cao đẳng, cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề với hàng vạn học sinh, sinh viên (HSSV) theo học. Trong đó, đa phần HSSV đều từ xa đến, hàng tháng gia đình phải trợ cấp, thường mức trợ cấp vừa đủ tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ và một ít chi tiêu lặt vặt. Trong khi, các khoản sinh nhật, họp lớp, và đi chơi với bạn bè vào các ngày lễ, tết cũng tiêu tốn khá nhiều. Bởi vậy SV phải tự kiếm việc làm thêm.

Trần Văn Quy (đến từ huyện Đô Lương, Nghệ An, hiện đang theo học trường Cao đẳng GTVT II – Đà Nẵng, chi nhánh tại Vinh) cho biết: Quy đã xin vào làm chân phục vụ tại quán karaoke Phương Nam trên đường Đặng Thái Thân vào mỗi buổi tối. Số tiền 1 triệu đồng/ tháng cũng đủ cho Quy trang trải cuộc sống.


Công việc tiếp thị, quảng cáo sản phẩm được nhiều sinh viên lựa chọn.

Các SV ngành sư phạm thường đi làm gia sư, ngoài thu nhập thì đó cũng là cách để tự rèn luyện khả năng đứng lớp của mình.

Phan Thu Hoài (đến từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), học năm thứ 3, khoa Sinh, trường Đại học Vinh. Hiện Hoài đang làm gia sư cho một học sinh lớp 8. Đã hai năm nay, từ mức học trung bình, nhờ Hoài kèm cặp nên cô bé đã học khá hơn, còn được đi thi học sinh giỏi cấp thành phố. Vì thế, Hoài đã được gia chủ ưu ái mời về ở hẳn trong nhà, xem cô như con, cháu, khiến Hoài không phải bận tâm đến việc xin trợ cấp từ bố mẹ ở quê.

Thông qua việc làm thêm phù hợp sẽ giúp SV trở nên năng động và có một cuộc sống đỡ chật vật. Bên cạnh khoản trợ cấp từ gia đình, số tiền có được nhờ đi làm thêm cũng giúp SV có nhiều hơn những sự lựa chọn cho mình. Từ việc mua sắm sách, vở để học tập, nghiên cứu, đến giao lưu với bạn bè. Hơn nữa, với lịch học không còn quá căng thẳng như hiện nay. Thông qua chương trình học theo tín chỉ, SV có thêm nhiều thời gian rỗi, để vừa học vừa làm và kết thúc khoá học dựa trên “đôi chân” của chính mình. Đồng thời, việc tự năng động hoá bản thân sẽ giúp họ có nhiều cơ hội việc làm hơn, mỗi khi ra trường.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp chỉ vì quá đam mê làm thêm kiếm tiền mà SV đã phải bỏ lỡ những cơ hội học tập của bản thân. Như trường hợp của Phan Văn Dần (ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một ví dụ. Khi đang học năm thứ 2 khoa CNTT, trường Đại học Vinh, Dần đã kiếm đuợc việc làm thêm tại công ty máy tính trên đường Nguyễn Du, vừa gần chỗ trọ lại gần trường. Với công việc này, tiền lương hàng tháng không chỉ đủ cho Dần trang trải cuộc sống mà còn giúp Dần sắm cho mình được chiếc máy tính để phục vụ cho học tập và làm việc mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Việc làm thêm chiếm khá nhiều thời gian nên việc đến giảng đường của Dần bị ảnh hưởng, số môn nợ ngày càng nhiều thêm. Đến năm thứ 3, do còn nợ quá nhiều môn nên Dần đã bị nhà trường buộc phải nghỉ học một năm.

Rõ ràng, tìm việc làm thêm là một giải pháp phù hợp với những sinh viên gia đình còn khó khăn, đến trọ học tại thành phố. Làm thêm sẽ giúp SV có được sự tự tin, năng động, có thể thực hành và áp dụng những kiến thức từ sách vở vào cuộc sống. Nhưng để có được điều đó, việc phân chia thời gian sao cho việc làm thêm không làm ảnh hưởng đến việc học là điều quan trọng nhất. Đó có lẽ là điều mà mỗi sinh viên cần phải hiểu trước khi đi tìm cho mình một việc làm thêm.


Quảng An