An toàn vệ sinh thực phẩm: Chỉ mới trông cậy ở... tuyên truyền
Hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan chức năng trong công tác ATVSTP, dù gắt gao đến mấy, cũng chỉ như muối bỏ biển. Mọi sự chuyển biến vẫn đang kì vọng nhiều ở hoạt động tuyên truyền; để thay đổi thói quen của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng thì không phải là chuyện ngày một ngày hai...
Hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan chức năng trong công tác ATVSTP, dù gắt gao đến mấy, cũng chỉ như muối bỏ biển. Mọi sự chuyển biến vẫn đang kì vọng nhiều ở hoạt động tuyên truyền; để thay đổi thói quen của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng thì không phải là chuyện ngày một ngày hai...
Cơ sở sản xuất phớt lờ, người tiêu dùng thờ ơ
Trong vòng 10 ngày cuối tháng 4/2011, Đoàn thanh tra liên ngành (gồm Thanh tra Sở Y tế, Chi cục ATVSTP, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Quản lí thị trường) đã kiểm tra 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh.
Đoàn đã lập biên bản xử lí 5 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm với các lỗi phổ biến như: dụng cụ đựng thực phẩm không đạt vệ sinh, không thực hiện lưu mẫu thực phẩm theo quy định, nhân viên khi sản xuất, chế biến không có trang phục đảm bảo vệ sinh... Theo ông Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Thanh tra - Chi cục ATVSTP Nghệ An, thì việc thanh kiểm tra định kì và đột xuất không chỉ nhằm mục đích xử phạt, mà quan trọng hơn là hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao ý thức cho cơ sở sản xuất.
Thực tế, vi phạm về ATVSTP đang là chuyện "cơm bữa". Nguyên nhân một phần là do hệ thống tiêu chuẩn cho thực phẩm chưa thống nhất. Ví như đơn giản nhất là các loại rau xanh: Hiện nay, duy nhất các chỉ có siêu thị áp dụng các tiêu chuẩn về ATVSTP và cả Thành phố Vinh chỉ có 3 siêu thị, chưa đến 3% nhu cầu; phần lớn người dân vẫn mua rau xanh ở các chợ - nơi chưa có một tiêu chuẩn nào cho mặt hàng này. Với hơn 30 chợ lớn nhỏ trên địa bàn thành phố thì có lập đến 10 đoàn thanh tra ATVSTP cũng chẳng thể làm xuể đối với riêng mặt hàng rau xanh chứ chưa nói đến các mặt hàng tươi sống khác...
Kiểm tra vệ sinh ATTP ở các cơ sở ăn uống. Ảnh: Từ Thành
Còn các cơ sở sản xuất, chế biến vì lợi nhuận mà sẵn sàng "nhắm mắt" làm ngơ trước các quy định về ATVSTP. Đã có cơ sở bị phát hiện ướp hải sản bằng U rê, phun kích thích cho rau xanh, giá đỗ, ủ hoa quả bằng đất đèn, tiêm thuốc tăng trọng cho gia súc, thậm chí dùng một số phụ gia làm biến đổi sản phẩm (từ thịt lợn sang thịt bò)... khiến cho dư lượng hoá chất trong thực phẩm luôn ở mức cao. Vẫn tồn tại hàng quán vỉa hè vẫn mà không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.
Đó là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc thực phẩm dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP Nghệ An, thì năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 155 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 2 người tử vong. Đó là những trường hợp nặng phải nhập viện, còn nhiều trường hợp ngộ độc nhẹ hoặc gia đình tự chữa trị vẫn chưa được thống kê .
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm ATVSTP còn phổ biến là thói quen của người tiêu dùng. Lâu nay, điều quan tâm đầu tiên của người dân khi vào chợ vẫn là giá.
Vì thế, rất nhiều người sẵn sàng chọn những mặt hàng rẻ hơn dù chỉ vài trăm đồng. Vô hình trung, sự lựa chọn của người tiêu dùng, ở mức độ nào đó, lại khuyến khích cho việc vi phạm ATVSTP ở cơ sở sản xuất, chế biến. Hơn nữa, người dân lâu nay vẫn có tâm lí "tiện đâu mua đấy" nên họ gần như phớt lờ vấn đề ATVSTP.
Cơ quan quản lý thiếu và yếu
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở tỉnh ta chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, trình độ sản xuất còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng liên quan chưa đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, hầu hết các sản phẩm sản xuất đưa ra thị trường đều chưa có cơ quan nào kiểm định, chứng nhận. Một số mặt hàng được xem là mặt hàng truyền thống như bánh gai, bánh đa, kẹo cu đơ... nhưng việc công bố sản phẩm này đủ tiêu chuẩn vẫn chưa được tiến hành,...
Tìm hiểu tại Chi cục ATVSTP tỉnh, được biết, thời gian qua, sự phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo chất lượng ATVSTP còn chồng chéo giữa các ban, ngành. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao còn chậm, đặc biệt ở tuyến xã, phường.
Việc tập huấn kiến thức cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh, các chủ cơ sở kinh doanh chưa được chú trọng. Công tác thanh, kiểm tra, tuyên truyền chưa được liên tục mà mới tập trung ở những tháng cao điểm...
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do cơ quan quản lý còn thiếu cả nhân lực lẫn vật lực cho công tác quan trọng này. Tỉnh ta là một tỉnh rộng, quá nửa số xã là xã miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn; lực lượng làm công tác ATVSTP lại quá mỏng, trong 20 huyện thành, huyện nào nhiều nhất thì có được một cán bộ chuyên quản, còn lại hầu hết đều kiêm nhiệm, không có chuyên trách tại tuyến cơ sở.
Ngay tại Chi cục vẫn đang thiếu người (hiện thiếu 9 người) đặc biệt là cán bộ có chuyên môn cao ( cán bộ y tế). Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động này còn quá thấp, trang thiết bị thì hầu như không có, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Đa số, việc tiến hành thanh, kiểm tra đều được tiến hành bằng test nhanh và... cảm quan.
Vì vậy, để kết luận một mẫu sản phẩm có đạt tiêu chuẩn không là vô cùng khó khăn do không có đủ xét nghiệm cần thiết và còn hạn chế trong việc lấy mẫu kiểm nghiệm. Chế độ cho cán bộ hoạt động lĩnh vực này còn quá thấp nên không thu hút được cán bộ, đặc biệt là cán bộ y tế.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đào Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh thẳng thắn cho biết: Thực tế hiện nay, hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan chức năng trong công tác ATVSTP, dù gắt gao đến mấy, cũng chỉ như muối bỏ biển. Mọi sự chuyển biến vẫn đang kì vọng nhiều ở hoạt động tuyên truyền; để thay đổi thói quen của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng thì không phải là chuyện ngày một ngày hai...
P.V