Xuất khẩu nông lâm sản: Cơ hội và thách thức

22/04/2011 18:07

Trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh, nông lâm sản luôn là nhóm hàng chiếm vị trí quan trọng, mang lại kim ngạch lớn. Hầu hết các mặt hàng nông lâm sản đều tăng cả về số lượng và giá trị so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, sức cạnh tranh của nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn chưa cao.

Trong bức tranh xuất khẩu của tỉnh, nông lâm sản luôn là nhóm hàng chiếm vị trí quan trọng, mang lại kim ngạch lớn. Hầu hết các mặt hàng nông lâm sản đều tăng cả về số lượng và giá trị so với các lĩnh vực khác. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, sức cạnh tranh của nhóm sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản vẫn chưa cao.

Năm 2010, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất bán sang thị trường nước ngoài trên 34 mặt hàng, nhóm mặt hàng các loại, thì trong đó có 2 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 30 triệu USD gồm dăm gỗ gần 40 triệu USD, sản phẩm sắn các loại 34,1 triệu USD. 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 triệu USD thì nhóm nhựa thông, tùng hương đạt 10,7 triệu USD, nước hoa quả 10,7 triệu USD.

Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương, chi tiết 10 mặt hàng có kim ngạch từ 5,5 triệu USD trở lên của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An thì đã có 9 mặt hàng thuộc ngành nông lâm. Đó là dăm gỗ, sản phẩm sắn và tinh bột sắn, nhóm hàng nhựa thông và tùng hương các loại, nước hoa quả các loại, gạo tẻ, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ, chè, lạc nhân.


Nhờ có vùng nguyên liệu rộng lớn, Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển chè Nghệ An chủ động được nguồn hàng xuất khẩu.
Ảnh: Hoàng Vĩnh


Còn số liệu tổng hợp 3 tháng đầu năm 2011, trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 88,199 triệu USD (tăng 31,29% so với cùng kỳ) thì mặt hàng xuất khẩu đạt khá và tăng so với cùng kỳ cũng vẫn là nhóm hàng nông lâm như: dăm gỗ, tinh bột sắn tăng 25,24%, hàng thủ công mỹ nghệ tăng 19,23%...


Dẫn đầu số hàng hóa có kim ngạch cao nhiều năm qua nổi lên có sản phẩm dăm gỗ. Là một tỉnh có diện tích rừng che phủ lớn nhất cả nước, Nghệ An luôn là địa phương đi đầu trong công tác trồng rừng. Nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định cũng chính là lý do mà dăm gỗ chiếm lĩnh ngôi vị hàng đầu trong danh mục mặt hàng đem lại kim ngạch lớn của các doanh nghiệp Nghệ An.

Riêng năm 2010, 3 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu (gồm Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty Liên doanh trồng và chế biến nguyên liệu giấy và Công ty TNHH nguyên liệu giấy) đã đạt kim ngạch 40 triệu USD.


Đối với sản phẩm sắn và tinh bột sắn, là nhóm hàng xuất khẩu đứng thứ 2 của doanh nghiệp Nghệ An, có khá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp (15 DN) với số lượng hơn 60 ngàn tấn, kim ngạch đạt trên 34 triệu USD.Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Malaysia, Philipine và Ấn Độ. Tuy nhiên, trên 80% kim ngạch của mặt hàng này là khai thác từ ngoại tỉnh.


Lạc nhân, mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Nghệ An, thu hút nhiều doanh ngiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường truyền thống như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc. Ngoài ra, hàng chục ngàn tấn lạc nhân các loại đã được bán cho tư thương vùng biên giới Việt Trung xuất sang Trung Quốc và cung ứng cho các DN ngoại tỉnh xuất khẩu sang Thái Lan, Indonesia đạt giá trị xuất khẩu trên 15 triệu USD nhưng toàn bộ giá trị hàng hóa xuất khẩu này không được tính trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các DN trên địa bàn tỉnh.


Không chỉ tăng nhanh nguồn kim ngạch lớn cho tỉnh, mà số hàng hóa xuất khẩu thuộc ngành nông lâm có sự bứt phá mạnh. Nước hoa quả chủ yếu do Công ty CP Thực phẩm Nghệ An xuất khẩu tưởng như khai tử nhưng với những nỗ lực tìm tòi nghiên cứu thị trường, tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, vốn, từ 1,29 triệu USD của năm 2009, năm 2010 đơn vị này đã xuất khẩu sản phẩm nước chanh leo và dứa hộp đạt kim ngạch trên 10,7 triệu USD sang các thị trường Châu Âu như Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ, Bồ Đào Nha. Các mặt hàng khác như nhựa thông tăng hơn 3 lần, dăm gỗ tăng gần 2 lần, sản phẩm sắn tăng hơn 2 lần so với năm 2009.


Và trong số các doanh nghiệp làm tốt công tác xuất khẩu hàng nông sản là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển Chè Nghệ An. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chè với kim ngạch xuất khẩu ổn định. Năm 2010 đạt gần 6 triệu USD đứng vị trí thứ 8 trong số các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Ba Lan, Pakistan, Phần Lan, Nga....

Đây được đánh giá là DN xuất khẩu hàng hóa nội tỉnh lớn nhất, tạo nhiều việc làm cho công nhân và đặc biệt là bà con nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, nhất là đối với vùng miền tây Nghệ An. Kết quả có được cũng phải kể đến công đóng góp của khâu trung gian thu gom. Công tác thu mua, tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt.

Chỉ riêng nhóm hàng nông sản cho nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu gom và cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh xuất khẩu trên 16.000 tấn lạc nhân, hàng ngàn tấn chè búp khô, hàng trăm tấn vừng, hàng vạn tấn tinh bột sắn xuất khẩu.


Tuy xuất khẩu hàng nông sản tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc, nhiều mặt hàng vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng ngoại tỉnh như tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, hạt tiêu, nguyên liệu chanh leo,.... Kim ngạch một số sản phẩm truyền thống của các doanh nghiệp Nghệ An như lạc nhân, thủy hải sản, súc sản chế biến ngày càng giảm.

Riêng sản phẩm thủy sản dù Nghệ An là địa phương có bờ biển dài, diện tích nuôi trồng tương đối lớn nhưng nhiều năm liền xuất khẩu thủy sản về "more", nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất kinh doanh hiệu quả kém, thua lỗ. Nguyên nhân lớn nhất được nói tới là tỉnh ta chưa có vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa xuất khẩu với khối lượng lớn như tại một số vùng miền khác như lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long, cà phê tại miền trung Tây Nguyên, cao su tại Đồng Nai hay thủy hải sản tại các tỉnh Nam Bộ.

Tại Công ty Cp Thương mại Nghệ An, đơn vị có thâm niên và kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Trịnh Ngọc Sơn băn khoăn: Khó khăn lớn nhất trong công tác xuất khẩu hàng nông sản là nguồn nguyên liệu. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp đều phải thu mua ở ngoại tỉnh. Từ tinh bột sắn, cà phê, hạt tiêu đến lô hành củ tỏi đều phải "Nam tiến". Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà quan trọng hơn là thiệt thòi cho bà con nông dân, cho tỉnh.


Ngoài ra, một lý do khác là công tác chỉ đạo thực hiện đề án thuộc chương trình phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chưa được các ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Kế hoạch sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu của một số chương trình đạt thấp nhất là thủy hải sản, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, cao su, dứa chế biến, súc sản...

Nguyên nhân khác là tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tên tuổi vào đầu tư các dự án phát triển sản xuất chế biến hàng nông lâm hải sản xuất khẩu như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh...

Cùng với hạn chế đó, thì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chưa hợp lý, hàng nông lâm hải sản sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ cao, việc xuất thô các loại nông sản, chạy theo số lượng, ít quan tâm chất lượng, đã làm cho sức cạnh tranh của hàng hoá giảm, không nâng cao được giá trị kinh tế của hàng hóa.


Rõ ràng, cùng với các ngành giày da, may mặc, nông lâm sản là những ngành hàng sử dụng nhiều nguồn lực lao động tại chỗ hơn là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, do đó sẽ bị tác động ít hơn so với các lĩnh vực khác trong cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay. Nông sản xuất khẩu còn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng vì liên quan đến hơn 70% dân số, là một thị trường lớn cho các ngành hàng sản xuất khác. Khi xuất khẩu nông sản được giữ ổn định và tăng trưởng, cả nền kinh tế có nhiều cơ hội hơn để phát triển.

Tuy vậy, để tận dụng được những cơ hội xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản, bên cạnh những nỗ lực của doanh nghiệp, thì việc triển khai những chính sách hỗ trợ hay cải cách thủ tục hành chính, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu xứng tầm, chuyên sâu là rất cấp thiết.

Xung quanh vấn đề này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Năm 2011, kế hoạch đạt 66 triệu USD tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đề ra, tạo tính bền vững cho hoạt động xuất khẩu, Sở NN&PTNT đã có giải pháp trong đó quan tâm chú trọng tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt như quy hoạch các loại cây con chủ yếu gắn với chế biến như chè, cao su, mía, nguyên liệu giấy... bằng việc thu hút các nhà đầu tư lập dự án. Đặc biệt ưu tiên cho các dự án lớn như chăn nuôi bò sữa, dự án phát triển cây cao su, các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt...

Ưu tiên đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao đối với một số cây trồng vật nuôi, tạo đột phá về năng suất, chất lượng như các giống lúa, ngô, lạc, cao su, cam, dứa... Sản xuất một số loại sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt GAP.. để đảm bảo nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.


Vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông dân giảm bớt khó khăn và có bước phát triển khá, tạo điều kiện mang lại kim ngạch cho xuất khẩu.

Song thực tế chúng ta chưa có được sự phối hợp chặt chẽ với các huyện thị để chỉ đạo có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thủy sản. Điều đó đòi hỏi cần thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn và thủy sản theo Quyết định 10/2010/QĐ-UBND tỉnh, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản.


Thu Huyền