Kể mãi câu chuyện về Người

17/05/2011 10:45

Trong những ngày tháng Năm lịch sử, hòa chung với niềm xúc động của người dân cả nước, chúng tôi hành hương về làng Sen quê Bác. Vẫn ngôi nhà mái lá đơn sơ, hàng cau xanh mướt, hương sen thơm ngát giữa trưa hè, Kim Liên - Nam Đàn đón chào những người con yêu Bác về với quê hương xứ Nghệ. Chúng tôi được hiểu thêm về công việc của cán bộ thuyết minh - những người ngày ngày kể lại bao câu chuyện xúc động về Người.

(Baonghean) - Trong những ngày tháng Năm lịch sử, hòa chung với niềm xúc động của người dân cả nước, chúng tôi hành hương về làng Sen quê Bác. Vẫn ngôi nhà mái lá đơn sơ, hàng cau xanh mướt, hương sen thơm ngát giữa trưa hè, Kim Liên - Nam Đàn đón chào những người con yêu Bác về với quê hương xứ Nghệ. Chúng tôi được hiểu thêm về công việc của cán bộ thuyết minh - những người ngày ngày kể lại bao câu chuyện xúc động về Người.

Tranh thủ ít phút ngắn ngủi của ca nghỉ giữa các đoàn khách vào thăm quê Bác, chúng tôi có dịp trao đổi với một số cán bộ thuyết minh đang làm việc tại đây. Với 22 người, trong đó 21 nữ, 1 nam, các cán bộ thuyết minh được phân công tại các điểm: mộ cụ bà Hoàng Thị Loan, mộ cố bà Hà Thị Hy, Làng Sen – Hoàng Trù và một số điểm di tích phụ cận. Chị Bùi Bích Đảm (sinh năm 1972), phó Phòng Tuyên truyền giáo dục thuyết minh, người có 20 năm kinh nghiệm làm việc, chia sẻ: “Từ những ngày còn nhỏ, mình đã rất ấn tượng với các gì Huệ, gì Lộc (những thế hệ thuyết minh đầu tiên ở Kim Liên). Từ đó, mình ấp ủ ước mơ được theo đuổi công việc này. Trải qua 7 lần thi tuyển thì được nhận vào làm tại đây. Mình nhớ lần đó là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc ấy mình 18 tuổi, hạnh phúc lắm !”.


Những thuyết minh viên ở Làng Sen.

Đến nay, đã có 6 thế hệ nối tiếp nhau làm công việc này. Trẻ nhất là 24 tuổi, nhiều nhất là 42 tuổi. Do tính chất đặc thù, công việc của các chị đòi hỏi phải có năng khiếu, giọng nói truyền cảm, trình độ học vấn, hiểu biết. “Công việc đặc biệt này yêu cầu người thuyết minh không những có kiến thức mà cao hơn là không được phép để xảy ra sai sót, dù nhỏ. Trước nhu cầu ngày càng lớn của du khách, người thuyết minh ngoài hiểu biết kiến thức văn hóa - xã hội, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh. Đặc biệt là tâm phải sáng, phẩm chất đạo đức tốt, có như vậy mới có thể thuyết minh thành công và truyền cảm tới đông đảo đồng bào, du khách…”, chị Đảm cho biết.

Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, đặc biệt là vào những ngày lễ, tết... từ sáng sớm, cán bộ thuyết minh Khu di tích Kim Liên vẫn tận tâm phục vụ cho đến khi những người khách cuối cùng ra về. Tình cảm thiết tha, thiêng liêng của đồng bào, đồng chí từ khắp mọi miền đất nước đến với Bác Hồ là sự động viên to lớn để họ vượt qua những khó khăn, không ngừng vươn lên học hỏi, nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Người, kỹ năng truyền cảm tới du khách...

Trung bình, mỗi năm Khu di tích Kim Liên đón hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan. Riêng trong đợt 30/4 và 1/5 vừa rồi, có hơn 60 đoàn khách, còn mỗi dịp 19/5 hàng năm là 300 - 500 đoàn. Thông thường, trong năm, mùa hè (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 9) là thời gian bận rộn nhất của các chị. Liên tục các đoàn khách trong nước và quốc tế, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về quê Bác. Cũng vì công việc nên những ngày nghỉ, lễ tết – thời điểm mà mọi người có điều kiện bên nhau, chia sẻ phút giây đầm ấm thì các chị lại bận rộn nhất với công việc. Thế nhưng, với các chị, đó là niềm hạnh phúc và tự hào vô bờ.

Khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm trong suốt 20 năm làm việc tại Làng Sen, chị Đảm cho biết: “Mỗi lần đón các đoàn khách, mỗi lần kể về thời ấu thơ của Người là một cảm xúc khác nhau. Nhưng nhớ nhất là gần đây, có một cụ già 72 tuổi, quê ở Lâm Đồng, đã đi bộ từ Bến Cảng Nhà Rồng để ra thăm Lăng Bác ở Thủ đô Hà Nội. Đến Làng Sen, sau khi lắng nghe các chị kể về cuộc đời của Bác, cụ rất xúc động… Chính những tấm lòng hướng về Bác của các du khách khiến mình càng phải nỗ lực và phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với trách nhiệm, công việc của mình”.


Du khách về thăm quê ngoại Bác Hồ.

Còn với chị Thanh Quý, kỷ niệm chị nhớ nhất là trong một lần thuyết minh cho một đoàn khách Nhật Bản về thăm Làng Sen. Sau khi tiếp xúc, hướng dẫn, và thuyết minh cho đoàn, chị được một du khách Nhật, vốn là nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi với mọi người về chị: “Tôi đọc được sự chân thành trong đôi mắt của cô ấy”.

Các chị cho biết, trong suốt quá trình làm nhiệm vụ này, có không ít lần khách tham quan đặt những câu hỏi khó nhưng các chị vẫn bình tĩnh trình bày và cung cấp những thông tin, tư liệu để họ hiểu. Và cũng từ đó, nhiều cánh thư của đồng bào khắp mọi miền đất nước được gửi về, thể hiện tấm lòng yêu mến: “Lời em kể như bài ca của đất / Em như ru mát ngọt tựa hương đồng / Có tiếng mẹ à ơi trong điệu hát / Có câu thơ tình bát ngát mênh mông…” Hay là: “Ôi kì diệu tuyệt vời thay giọng nói / Quê hương mình hay mẹ đã cho em / Dư âm ấy phải làn hơi xứ Nghệ / Hay điệu dân ca kết tụ của trăm miền...”.

Bằng những tình cảm thiết tha, bằng tấm lòng thành kính với Bác, tình yêu quê hương Làng Sen, các chị đã và đang tiếp nối, kể mãi câu chuyện về Người - vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam, để Kim Liên mãi là điểm hội tụ, kết nối những tấm lòng thành kính hướng về Bác Hồ kính yêu.


Xuân Thống- Mai Hậu