Làng cây cảnh Kim Chi

27/05/2011 15:16

Làng Kim Chi xã Nghi Ân gồm 152 hộ dân, trong đó 133 hộ làm nghề cây cảnh, chiếm 87,5%. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của nghề hoa cây cảnh, những năm gần đây, UBND xã đã có nhiều chủ trương hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển nghề trồng hoa cây cảnh nhân rộng, đem lại thu nhập cao cho nhân dân địa phương.

(Baonghean) - Làng Kim Chi xã Nghi Ân gồm 152 hộ dân, trong đó 133 hộ làm nghề cây cảnh, chiếm 87,5%. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao của nghề hoa cây cảnh, những năm gần đây, UBND xã đã có nhiều chủ trương hỗ trợ và khuyến khích người dân phát triển nghề trồng hoa cây cảnh nhân rộng, đem lại thu nhập cao cho nhân dân địa phương.

Năm 2009, thu nhập từ làng nghề cây cảnh đạt hơn 3,6 tỷ đồng, năm 2010 xấp xỉ 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 24 triệu đồng/người/năm. Nghề cây cảnh không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo nên cảnh quan làng xóm xanh, sạch, đẹp, góp phần cải thiện môi trường sống trong lành.

Đến thăm làng nghề cây cảnh Kim Chi (xã Nghi Ân, TP.Vinh), vào hộ nào cũng bắt gặp một bộ bàn ghế nhỏ được kê trước sân, ở đó luôn có một ấm chè xanh nóng hổi để các bạn nghề trong làng đến nhâm nhi và trao đổi hướng phát triển cây gì phù hợp với xu thế thị trường đang ưa chuộng.

Ghé vườn cây cảnh của hộ ông Hoàng Văn Khẩn, được “no” mắt bởi đủ loại cây từ mới chiết cành cho đến cây lâu năm với những bộ rễ độc đáo. Ông Khẩn bảo: cây càng kỳ quái, càng cổ thụ thì càng bán được giá. Người chơi cây cảnh luôn thích những cây lạ, như cây ổi tàu lâu năm của nhà tôi có rễ như hình con rắn, được người ta trả giá tới hơn 100 triệu đồng, tôi vẫn không bán. Tuy nhiên, cây có dáng và thế đẹp thường được mọi người ưa thích. Cây cảnh không có giá cụ thể, tuỳ vào cảm hứng của người mua, có thể hôm nay giá này, mai giá khác là chuyện thường.

Theo nghề cây cảnh đã gần 30 năm, có những cây ông cất công chăm sóc, uốn nắn, tạo dáng và đợi chờ suốt cả 30 năm trời nay mới bán được. Những gốc sanh, lộc vừng bây giờ ông mới tạo hình cho nó thì có lẽ đến đời con cháu mới có một cây ưng ý và được thị trường chấp nhận. Nếu không có lòng yêu nghề, say mê cây cảnh thì ông Khẩn không làm được như vậy. Từ ươm cây, chiết cành, uốn nắn, tạo dáng cho cây đều do một tay ông làm. Ông Khẩn chia sẻ: có thể hôm nay mình uốn được dáng cây này, nhưng đêm nằm nghĩ thấy chưa ưng ý thì bật đậy chong điện đi sửa lại, mỗi khi đã hứng lên làm thì bất kể ngày hay đêm đều phải thực hiện xong ý tưởng thì mới chịu nghỉ tay.

Ông say cây và tìm thấy niềm vui trong mỗi dáng hình cây cảnh. Nếu phải đi đâu xa vườn cây vài ngày, lòng dạ ông bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vườn cây cảnh của gia đình ông Khẩn có diện tích 3.000 m2 với tổng giá trị hàng tỷ đồng, đủ loại cây từ cây, từ 10 ngàn đồng đến cây hàng trăm triệu đồng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Mùa tiêu thụ hoa cây cảnh thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch hàng năm kéo dài đến tháng 4 năm sau. Ngoài cây cảnh, gia đình ông còn trồng thêm 10 ngàn cây hoa các loại phục vụ thị trường hoa Tết. Thu nhập từ nghề cây cảnh khá cao, mỗi năm ngoài chi tiêu, gia đình còn tích luỹ được hơn 100 triệu đồng/năm.

Sang thăm vườn cây của hộ ông Đặng Minh Ngạn cũng đa dạng cây cảnh, ngoài cây trồng trong vườn nhà, còn hàng ngàn mét vuông trồng ngoài đồng. Ông Ngạn năm nay ngoài 60 tuổi, nhưng có thâm niên làm cây cảnh 40 năm, những năm trước gia đình ông thường làm các cây cảnh vừa tiền cung cấp cho người trong làng đưa đi bán khắp nơi, thị trường tiêu thụ mạnh nhất vẫn là TP.Vinh. Khoảng 10 năm nay, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, người chơi cây có xu hướng săn tìm những cây cảnh cổ thụ lâu năm, dáng đẹp như cây sanh cổ, tùng la hán, nếu có bộ rễ đẹp, "quái" thì càng đắt. Ông Ngạn cho biết: cách đây hơn một tháng, gia đình bán một cây sanh thể tam đa có thâm niên 28 năm, với giá 140 triệu đồng cho một người trong làng. Nay cây sanh ấy đã được khách trả mua đến hơn 200 triệu đồng. Hiện trong vườn còn 2 cây sanh thể long 18 năm khá đẹp. Với nghề cây cảnh, không được nôn nóng, có khi hai, ba tháng không bán được cây nào, có khi chỉ trong vòng 5 - 7 ngày đã bán được tiền tỷ cầm chắc trong tay.

Anh Thái Văn Vĩnh lại có thú vui sưu tập các cây cổ thụ lâu năm về chăm sóc. Để có vườn cây cảnh rộng lớn tổng giá trị trên dưới 10 tỷ đồng với nhiều cây đẹp như hiện nay, anh Vĩnh phải dày công đi khắp các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế ra các tỉnh phía Bắc để tìm mua. Anh cho hay: Đối với những cây đắt tiền thường được bán cho khách chơi cây ở Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định. Ở địa bàn Nghệ An chỉ tiêu thụ được những cây có giá vừa phải. Cây cảnh không có giá cụ thể, đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào "gu" của từng người. Có những cây mình nhìn vào không "cảm" được nhưng nó lại là cây đắt tiền. Cây càng cổ, càng "quái dị" như chỉ có 1 rễ hoặc 1 cành do thiên nhiên tạo ra kết hợp với tuổi già của nó thì càng đắt giá, được khách chơi cây săn lùng. Hiện nay, làng nghề này đang tiêu thụ mạnh các loại cây như: sanh, mưng, nguyệt quế, tùng la hán, tùng ngà.

Mỗi buổi sáng, bên ấm chè xanh nóng hổi, anh em làm vườn ngồi lại với nhau, cùng góp ý, bàn cách trồng cây gì, dáng như thế nào đang thịnh được thị trường ưa chuộng... cứ như thế, làng nghề ngày càng phát triển nhờ sự chung trí, chung lòng của từng cá nhân.


Quỳnh Lan