Nghi Phong lưu giữ nghề truyền thống

14/06/2011 11:08

Xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã hình thành một số làng nghề, như nghề giấy dó làng Phong Phú, nghề đan thuyền mủng làng Phong Thành; nghề mây tre đan làng Phong Điền, Phong Anh, Phong Cảnh... có từ những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sản phẩm mây tre đan của xã đã có mặt ở nhiều nơi kể cả thị trường các nước Đông Âu cũ.

(Baonghean) - Xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã hình thành một số làng nghề, như nghề giấy dó làng Phong Phú, nghề đan thuyền mủng làng Phong Thành; nghề mây tre đan làng Phong Điền, Phong Anh, Phong Cảnh... có từ những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Sản phẩm mây tre đan của xã đã có mặt ở nhiều nơi kể cả thị trường các nước Đông Âu cũ.

Nghi Phong ruộng đất ít nên công việc đồng áng cũng chẳng bao lăm, thời gian chủ yếu là dành cho các nghề của cha ông để lại. Được xã giới thiệu, chúng tôi đến làng Phong Thành (tên thường gọi của xóm 13). Ở đây hiện có khoảng 20 hộ đang gắn bó với nghề đan thuyền múng.

Anh Nguyễn Trọng Hiếu, phó chủ tịch UBND xã Nghi Phong vui vẻ cho biết: Một thời gian dài người làm nghề lao đao, chật vật vì sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ, họ phải “cáng” thuyền đi rao bán hàng chục cây số mà thu nhập lại chẳng bõ công. Chính vì vậy, con cháu của làng đã không còn mặn mà với nghề, họ rời làng kiếm sống bằng nhiều nghề khác... Đến những năm gần đây, dân làng nghề đã “khoẻ” hơn nhiều vì sản phẩm tìm được chỗ đứng trên thị trường và có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm không chỉ dừng lại ở các bạn hàng truyền thống là ngư dân các làng xã Nghi Thiết, Nghi Quang, Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc); xã Nghi Tân, Nghi Thuỷ... (Thị xã Cửa Lò) mà đã mở rộng ra thị trường tỉnh bạn như Thanh Hoá, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Hàng năm, thương lái các nơi đến đến “ăn” hàng mỗi chuyến từ 15-20 chiếc và phải có đơn đặt hàng trước. Vào vụ đánh bắt chính của ngư dân, hàng làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện trong làng đã có nhiều gia đình “say” nghề, cả 3 - 4 anh em cùng làm như hộ ông Trần Anh Tuấn, anh Lê Văn Nam, anh Nguyễn Văn Phong...


Làm thuyền thúng.

Một thợ đan thuyền có tiếng trong làng - anh Nguyễn Văn Thành, cho biết: "Nghề này chúng tôi làm quanh năm. Để hoàn thành một sản phẩm, một thợ lành nghề cũng mất từ 8 -10 công; từ khâu ra tre, đan mên, quét nhựa đường đến vào nẹp... Giá thuyền múng trên thị trường hiện nay (tuỳ theo kích cỡ) dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng/chiếc, bình quân mỗi tháng làm được từ 3-4 chiếc, thu nhập ổn định gần 2,5 triệu đồng/tháng. Thuyền được đan bằng loại tre rừng, căn cứ vào đường kính cây tre và trọng lượng thuyền người thợ sẽ chẻ nan cho phù hợp. Tiếp đến là phơi khô, đan chặt thành những mảng phên, phên nan được đặt vào khuôn và cạp thành chiếc thuyền; cạp xong thì sảm nhựa lấp kín khe hở giữa các nan tre của vỏ thuyền rồi quét nhựa đường trong, ngoài vài ba lượt... Thuyền nan có ưu điểm là nhẹ, cơ động, chịu sóng và chống lật an toàn nên được các ngư dân ưa chuộng".

Rời Phong Thành chúng tôi đến tham quan làng Phong Phú - làng có truyền thống trăm năm làm giấy dó. Trước năm 2004, Phong Phú có 105 hộ thì đã có tới 70 hộ theo nghề. Nhưng đến nay chỉ còn 15 hộ đang bám trụ với nghề do thị trường tiêu thụ bó hẹp (sản phẩm phục vụ chủ yếu cho nghề làm hương và dân làng chài dán bụng cá nướng, cá luộc). Họ chỉ làm tranh thủ lúc nông nhàn vào buổi trưa hoặc tối, chủ yếu bà con trong làng vẫn làm nghề nông.




Các công đoạn làm giấy dó.

Anh Nguyễn Văn Hà, người đã có 15 năm theo nghề, lôi một tập giấy ra khoe với khách: "Giấy tốt là phải trong, mỏng, mịn và sờ vào cảm thấy mát tay". Theo anh Hà thì cho đến nay, vẫn không ai biết nghề này ở làng có tự bao giờ và ông tổ là ai, chỉ biết có nhiều gia đình theo nghề đến 5 - 6 đời nay rồi. Nghề làm giấy dó khá vất vả, bởi mọi công đoạn đều làm thủ công, bằng đôi tay trần của người thợ. Khâu khó nhất và cũng là kinh nghiệm, là bí quyết gia truyền chính là khâu đun lửa - phải giữ lửa ở nhiệt độ cao, đều lửa trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Nếu làm theo đúng phương pháp truyền thống thì giấy dó có thể để đến trăm năm cũng không bị mục nát. Sở dĩ giấy bền như vậy là nhờ sợi gió có khả năng hút và nhả ẩm tốt. Để cho ra được sản phẩm, đòi hỏi người làm nghề phải tốn nhiều công sức và rất tỉ mỉ. Đầu tiên vỏ dó được ngâm nước từ 2-3 ngày, sau đó ngâm tiếp trong nước vôi đặc và luộc trên 10 tiếng. Sau khi rũ bỏ vôi, vỏ gió tiếp tục được ngâm nước rồi cho vào cối giã 3-5 tiếng, khi thành bột sẽ được nắm chặt và rửa sạch một lần nữa... Khâu cuối cùng là xeo giấy, phơi giấy; giấy dày hay mỏng là phụ thuộc vào "ngữ chỉnh" ở khuôn xeo. Tính sơ sơ từ cây gió đến khi được tờ giấy phải qua 10 công đoạn, tức là mất gần 1 tháng.

Do đặc thù của nghề nên thu nhập cũng không là bao, một gia đình có 2 lao động chính thì tối đa một ngày cũng chỉ làm được 120 tờ với điều kiện trời phải nắng gắt, còn trời âm u chỉ làm được 50 - 60 tờ/ngày, với giá bán 2.000 - 2.200 đồng/tờ cho các tư thương, như hiện nay thì mỗi hộ (trừ chi phí) thu lãi khoảng 60.000 - 80.000 đồng/ngày. "Cũng như nhiều người làm nghề trong làng, tuy thu nhập không cao nhưng đây là nghề truyền thống, nên cuộc sống dẫu có khó khăn vất vả chúng tôi vẫn quyết tâm sống với nghề và "giữ lửa" cho nghề để truyền lại cho đời con cháu sau này…." - Anh Hà chia sẻ.

Ở Nghi Phong, sự khởi sắc các làng nghề đã làm cho thôn xóm có nhiều biến chuyển về các mặt đời sống vật chất, sinh hoạt văn hoá, tinh thần và an ninh trật tự. Đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập, nhất là cho tầng lớp thanh thiếu niên, vừa trang bị kiến thức kinh tế vừa giảm thiểu các tệ nạn xã hội.


Ngọc Anh