Hướng đi nào cho bưu điện văn hóa xã?

16/06/2011 11:06

Kỳ 1: Một thiết chế văn hoá đặc biệt

Kỳ 1: Một thiết chế văn hoá đặc biệt

Năm 1998, mô hình điểm Bưu điện - văn hoá xã (BĐ-VHX) chính thức ra đời và được triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Bằng việc cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính, viễn thông, đọc sách báo miễn phí... những năm 2005 trở về trước, điểm BĐ-VHX đã đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chuyện của "người trong cuộc"

Ông Nguyễn Văn Tư, Nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh, người trực tiếp chỉ đạo xây dựng mô hình điểm BĐVHX giai đoạn 1998-2002, cho biết: "Thời kỳ trước những năm 1998, hoạt động bưu chính viễn thông (BCVT) trên địa bàn tỉnh còn trầm lắng. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, dịch vụ BCVT chưa phát triển, mỗi huyện chỉ có một vài bưu cục. Người dân muốn sử dụng dịch vụ BCVT phải đi xa hàng chục ki-lô-mét. Đặc biệt, các huyện miền núi cao, để gửi được một lá thư, gọi một cuộc điện thoại đồng bào phải cuốc bộ hai, ba ngày đường rừng mới tới bưu cục của trung tâm cụm xã. Khó khăn, vất vả, không được tiếp cận với các kênh thông tin (điện tín, điện thoại, báo chí...) nên trình độ dân trí ở những vùng này rất thấp, đời sống kinh tế kém phát triển... Khi xây dựng các điểm BĐVH xã, ngành đặt vấn đề dịch vụ công ích, an sinh xã hội lên hàng đầu, thứ đến mới là hiệu quả kinh doanh, là lợi nhuận. "

Thực hiện Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có giải pháp đưa thông tin về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa nhằm tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến tri thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất - kinh doanh, tăng mức hưởng thụ văn hóa cho người dân; cuối năm 1998, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có Quyết định 267 về đầu tư xây dựng tổ chức, hoạt động điểm BĐVH ở xã.


Khai thác dịch vụ Internet tại điểm BĐVH xã Thanh Dương (Thanh Chương).

Thực hiện chủ trương đó, tỉnh ta đã chỉ đạo quy hoạch đất xây dựng các điểm BĐVHX, được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, bao gồm nhà làm việc, tổng giá trị xây lắp trung bình cho mỗi điểm từ 70-120 triệu đồng, cùng các thiết bị viễn thông như: điện thoại, internet, các loại sách, báo, văn hóa phẩm, bàn ghế... Trong năm 1998, Bưu điện Nghệ An đã xây dựng và đưa vào hoạt động 68 điểm. Đến năm 2009, đã có 404 điểm BĐVHX đi vào hoạt động. Sự ra đời của các điểm BĐVHX đã giúp người dân, nhất là ở nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa... được tiếp cận với các loại hình dịch vụ viễn thông một cách thuận lợi; được cung cấp thông tin, phổ biến KHKT để áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Kinh phí xây dựng các điểm BĐVHX được trích từ nguồn phát triển sản xuất của ngành Bưu chính Viễn thông. Hiểu rõ vai trò của các điểm BĐVHX nên chính quyền các xã đều ưu tiên quỹ đất, qui hoạch các điểm BĐVHX ở vị trí "đắc địa" (nằm ở trung tâm xã, đông người qua lại, đảm bảo an toàn, không bị ảnh hưởng bởi thiên tai...). Năm 2000, Bưu điện tỉnh được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới", góp vào bảng vàng thành tích đó chính là hoạt động mang tính "đột phá" của các điểm BĐVHX. Có thể coi, giai đoạn 1998-2002 là thời kỳ "hoàng kim" của BĐVX.

Một thiết chế văn hóa đặc biệt....

Là xã thuộc địa bàn biên giới, nên dù ra đời muộn (năm 2004) điểm BĐVHX Thanh Thủy (Thanh Chương) thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Trước đây khi muốn gửi thư, chuyển tiền cho con đi học xa, bà con phải ra tận thị trấn cách gần 20km. Khi điểm BĐVHX ra đời thì mọi dịch vụ như: gọi và nghe điện thoại, gửi thư, bưu phẩm, bưu kiện, đặt báo chí, chuyển tiền...đều được phục vụ tại chỗ. Ngoài ra, BĐVHX còn là nơi nông dân tiếp cận với vốn kiến thức về KHKT trong sản xuất, các văn bản pháp luật, kiến thức xã hội thông qua hệ thống sách báo, tạp chí phục vụ miễn phí. Nhu cầu về dịch vụ bưu chính viễn thông của người dân trên địa bàn xã rất lớn, do đó, Bưu điện huyện Thanh Chương đã phải lắp đặt thêm buồng điện thoại tại điểm này. Riêng tại điểm BĐVHX Thanh Thủy, vào thời cao điểm, mỗi tháng doanh thu từ bán tem, dịch vụ điện thoại lên đến 15-17 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân xã Thanh Thủy cho biết: "Thời điểm đó (2004-2007), ở điểm BĐVHX người gọi điện thoại phải xếp hàng chờ đến lượt. Các buồng đàm thoại bao giờ cũng kín người..." Đến năm 2005, Thanh Chương đã khép kín mô hình điểm BĐVHX trên địa bàn toàn huyện với 38/38 xã, doanh thu hàng tháng từ các điểm BĐVHX xấp xỷ 100 triệu đồng.

Không chỉ cung cấp các dịch vụ Bưu chính-Viễn thông, sự ra đời của các điểm BĐVHX còn tạo việc làm tại chỗ cho hơn 400 lao động trẻ ở các vùng nông thôn với mức thu nhập ổn định. Đồng thời, các điểm BĐVHX cũng tạo doanh thu cho bưu điện. Ban đầu (năm 1998) trung bình mỗi điểm BĐVHX doanh thu đạt mức 784.000đ/tháng; đến năm 2005 đạt mức 2.093.000đ/tháng.

Đặc biệt, trong số 404 điểm BĐVHX có tới 113 điểm thuộc các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của các huyện: Anh Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Trong đó có 66 điểm thuộc xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng viễn thông công ích thì BĐVHX còn có vai trò chính trị hết sức quan trọng. Sau khi hệ thống điểm BĐVHX ra đời đã tạo thành mạng lưới bưu chính viễn thông rộng khắp với 519 điểm phục vụ trên địa bàn toàn tỉnh; rút ngắn khoảng cách sử dụng dịch vụ xuống còn 3km/điểm, số dân phục vụ 4.500 người/điểm.

Ông Thái Khắc Sung, Giám đốc Bưu điện huyện Thanh Chương cho biết: "Giai đoạn từ năm 2005 trở về trước, BĐVHX đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở các xã miền núi, các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Điểm BĐVHX có vai trò là cánh tay nối dài của ngành Thông tin và Truyền thông ở địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện NQ TW 5 của Đảng về xây dựng văn hóa cơ sở..."

Khi mới hoạt động, VNPT cấp kinh phí ban đầu 1,5 triệu đồng và 500.000 đ/năm để các điểm BĐVHX mua các loại sách, báo về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chăn nuôi, trồng trọt phục vụ nhân dân. Ngoài ra, mỗi điểm BĐVHX thường xuyên có hàng chục đầu báo, tạp chí. Bên cạnh đó, ngành Văn hoá còn chỉ đạo Thư viện tỉnh, huyện luân chuyển sách sang cho điểm BĐVHX và ngành Tư pháp cũng chỉ đạo luân chuyển tủ sách pháp luật ở UBND xã về điểm BĐVHX để thuận tiện cho người dân. Nhờ có tủ sách báo mà nông dân có được thông tin hữu ích để trồng lúa, cây ăn quả, làm mầu, nên năng suất tăng lên đáng kể... Ông Lương Quang Phùng (bản Kim Tiến, xã Kim Đa (cũ), huyện Tương Dương) phấn khởi cho biết: "Nhờ được tiếp xúc với sách, báo, với kỹ thuật trồng trọt từ tủ sách văn hóa ở điểm bưu điện xã, đầu óc tôi được mở mang dần. Tôi biết trồng cây Ngô lai, biết thâm canh tăng vụ, biết phòng bệnh cho gia súc, gia cầm vào mùa rét... Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi dần ổn định, phát triển, trở thành hộ khá của bản.

Nhiều hộ dân, ở vùng khó khăn, giao thông cách trở, nhờ chiếc "a-lô" ở các điểm BĐVHX đã nắm được tình hình giá cả thị trường; bắt tay làm ăn với các tư thương ở xuôi; tìm cách quảng bá sản phẩm, hàng hóa của gia đình, của làng, của xã mình lên Internet để tăng giá trị sản phẩm. Đó là trường hợp của những hộ trồng mận ở Mường Lống (Kỳ Sơn), những hộ là đồng bào dân tộc ít người ở Huồi Tụ, Phà Đánh (Kỳ Sơn) chuyển đổi cách làm ăn từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa; biết trao đổi rau, ngô để lấy các mặt hàng tạp hóa về bán cho bà con, dân bản...

Trong giai đoạn từ 1998-2005, điểm BĐVHX là mô hình thực hiện "ý Đảng lòng dân", góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn. Tuy nhiên, mô hình này đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập và cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới.

(còn nữa)


Thanh Phúc