Đi xa để trở về

13/05/2011 18:57

Mùa Xuân năm 1934, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Vlađivônxtốc, trở lại với quê hương Cách mạng tháng Mười. Từ đầu năm 1934 đến...

Mùa Xuân năm 1934, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Vlađivônxtốc, trở lại với quê hương Cách mạng tháng Mười. Từ đầu năm 1934 đến đầu tháng 10-1938, vừa tham gia học tập rèn luyện tiếp cận với những tri thức lý luận mới mẻ ở Trường Quốc tế Lê Nin, Nguyễn Ái Quốc vừa bắt liên lạc, bồi dưỡng lý luận cho nhiều cán bộ đảng viên.

Đại hội VII Quốc tế cộng sản khai mạc, Người được mời tham dự với tư cách đại biểu tư vấn. Sau Đại hội này, Người căn dặn đồng chí Lê Hồng Phong khẩn trương thu xếp công việc về nước để truyền đạt cho Trung ương Đảng những Nghị quyết của Đại hội VII, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan tới phong trào cách mạng Việt Nam.


Mùa Hè năm 1936, chuẩn bị cho 2 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn về nước, Nguyễn Ái Quốc đề nghị chuyển ngay tới đồng chí Lê Hồng Phong 3 ý kiến quan trọng, trong đó có đề cập đến việc "BCH Trung ương cần sớm chuyển về trong nước để chỉ đạo phong trào".

Những ngày đầu trở về nước, Bác Hồ làm việc tại Pác Pó.
Ảnh tư liệu, L.Y(st)


Như vậy, ý tưởng trở về nước đã ngày càng nung nấu tâm can của nhà yêu nước, đến nỗi thời gian kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lê Nin, Người đã không thể yên tâm ngồi hoàn thành luận án. Thực hiện nguyện vọng đó, ngày 6-6-1938, kí tên Lin, Người chuyển thư cho Quốc tế Cộng sản bày tỏ nguyện vọng về nước hoạt động. Và Nguyễn Ái Quốc được ủng hộ với quyết định (mật) của Quốc tế Cộng sản: "Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29-9-1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước)".


Thế là đầu tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc tạm biệt đất nước của Lê Nin, đi về phương Đông, cụ thể là Trung Quốc. Người đã bí mật hoạt động tích cực ở đây một thời gian cho đến khi phát xít Đức tấn công Pháp, chính phủ Pêtanh chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng (22-6-1940 ), tạo thời cơ thuận lợi cho cách mạng nước nhà. Trước tình hình này, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: "Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng".


Sau nhiều xếp đặt, chuẩn bị âm thầm cùng các đồng chí của mình, ngày 1-1 Tết Tân Tỵ (1941), Nguyễn Ái Quốc đi lẫn trong đoàn chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Ngàn Tấy.

Ngay ngày hôm sau, 28-1-1941, đoàn rời Nậm Quang bí mật trở về nước... Sau 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, đi khắp đó đây, nay được về nước mình trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người vô cùng xúc động. Theo đồng chí Lê Quảng Ba kể lại, bước chân Người lúc bấy giờ thoăn thoắt, cán bộ đi theo thấy vậy càng phấn chấn rảo bước.

Đồng chí Ba bỗng nói như reo: "Thưa Bác, đường ranh giới là ở chỗ này đây!". Bác đứng sững lại, bùi ngùi nhìn những ngọn núi, hẻm đá, những vệt đường mòn, lau lách long lanh sương sớm. Mọi người cũng dừng lại vây quanh Bác. Ánh mắt Bác âu yếm bao trùm cả núi non, cây rừng, suối nước. Lúc lâu Bác khẽ nhắc: " Thôi ta đi, Tổ quốc ta đây rồi!". Sau này, trong cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện, bút danh T.Lan, Bác bộc bạch: "Bao nhiêu năm thương nhớ, chờ đợi. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động!". Còn nhà thơ Tố Hữu có những câu thơ thật hay:

Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt

Trắng rừng Biên giới nở hoa mơ

Bác về. Im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ...

Nhà sử học Hoàng Thanh Đạm, người dày công nghiên cứu đoạn lịch sử của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1924-1941, đã kết thúc cuốn sách Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước (2005 ) như sau: "Đêm đầu tiên trở về Tổ quốc, sau 30 năm bôn ba, trong hang Cốc Bó này, Bác đang nghĩ đến bao điều khó khăn, thuận lợi, đang suy tính một chương trình hành động cho nước nhà sớm dành lại Độc lập, Tự do..."


Nhật Thi