Kỳ I: "Bỏ quên" quyền lợi người dân

09/05/2011 17:48

Thực hiện chương trình 327 của Chính phủ, năm 1994 gần 50 hộ dân xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu đã xung phong nhận hàng...

Thực hiện chương trình 327 của Chính phủ, năm 1994 gần 50 hộ dân xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu đã xung phong nhận hàng trăm ha rừng thông để chăm sóc và phủ xanh đất trống đồi trọc.

Qua 17 năm chăm sóc và bảo vệ, cánh rừng ngày xưa nay đã trở thành vùng nguyên liệu hứa hẹn cho lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng. Những tưởng, người dân nghèo Diễn Lợi sẽ được đổi đời và làm giàu trên cánh rừng của gia đình mình, nhưng từ đó đến nay, mọi quyền lợi của dân trên khu rừng này đều bị bỏ quên, thậm chí Hồ sơ giao đất lâm nghiệp đã có từ năm 1999 nhưng đến nay các chủ hộ vẫn chưa được nhận.


Diễn Lợi là xã có diện tích rừng lớn của huyện Diễn Châu, với tổng diện tích đất lâm nghiệp 957,9 ha, trong đó có đến 644 ha rừng thông. Trước năm 1994 nhiều nơi ở Diễn Lợi vẫn còn là rừng trọc, từ khi chương trình 327 được triển khai, toàn bộ diện tích rừng đã được các hộ dân chăm sóc và trồng mới. Năm 1997 việc giao đất giao rừng cho các hộ dân đã được nhà nước thực hiện và đến năm 1999, Hạt Kiểm lâm huyệnDiễn Châu đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến UBND xã Diễn Lợi. Tuy nhiên không hiểu vì sao, đến nay vẫn chưa đến tay hộ dân.


Sự việc có lẽ sẽ không được phát hiện nếu như năm 2009, nhiều gia đình như ông Hoàng Thắng, Nguyễn Công Thọ, Nguyễn Xuân Sơn, Thái Bá Quảng... là những hộ thực hiện dự án trồng rừng mong muốn đầu tư xây dựng trang trại, phát triển chăn nuôi, xoá đói giảm nghèo.


Nhiều gốc thông chưa đến tuổi bị khai thác sai quy trình


Họ đã nhiều lần lên Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp huyện để vay vốn, thế nhưng đến ngân hàng nào cũng bị yêu cầu phải có hồ sơ lâm nghiệp gốc mới cho vay vốn. Về xã hỏi, thì nhận được câu trả lời "trên huyện chưa bàn giao xuống, nên chưa có để phát trả cho dân".

Sau đó, trong quá trình lập hồ sơ vay vốn dự án ODA, anh Nguyễn Xuân Sơn - con trai của chủ rừng Nguyễn Công Thọ đã "thông qua" ông Nguyễn Đức Thành( Trưởng công an xã kiêm hạt kiểm lâm xã) "mượn" được toàn bộ hồ sơ gốc.

Khi đó, các chủ rừng mới biết được chính xác vị trí mảnh rừng của mình và những quyền lợi mà chủ rừng được hưởng theo như trong hồ sơ giao đất lâm nghiệp đã ghi rõ như "được sử dụng rừng và đất trồng rừng ổn định, lâu dài'; được chủ động trong sản xuất, kinh doanh, trong quản lý, được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích rừng..."


Ông Thái Bá Quảng - một trong bảy hộ đầu tiên nhận thực hiện dự án 327 không khỏi bức xúc: "Chẳng hiểu vì sao chính quyền xã lại không giao lâm bạ cho chúng tôi mặc dù các xã khác ở lân cận, đi cùng thời điểm với chúng tôi đều đã có.

Chúng tôi là chủ của rừng, được nhà nước giao đất, giao rừng trong thời hạn 50 năm, nhưng nay không có bìa thì chúng tôi có cũng như không. Muốn vay vốn ngân hàng để phát triển thêm nghề rừng cũng không có".


Không được chính quyền xã Diễn Lợi giao Hồ sơ đất lâm nghiệp là một nhẽ, nhưng điều mà các hộ dân Diễn Lợi bất bình hơn đó là từ năm 2003 đến nay xã Diễn Lợi đã bỏ qua ý kiến người dân tự ký kết với HTX TM & CB Nông lâm Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu) khai thác nhựa thông ngay trên rừng thông của các gia đình này. Hàng năm xã chỉ trả cho mỗi hộ dân mỗi ha vài chục nghìn đồng/ha gọi là tiền chăm sóc bảo vệ. Nhìn hàng trăm ha rừng thông của mình bị một doanh nghiệp từ nơi khác đến khai thác người dân Diễn Lợi không khỏi xót xa.


Không những thế, việc khai thác còn thực hiện sai quy định. Anh Nguyễn Xuân Sơn dẫn chúng tôi lên rừng thông cho biết "Theo quy định, những cây thông có đường kính 20 cm, có tuổi đời trên 15 năm mới được khai thác lấy nhựa và mỗi cây chỉ được đẽo một vị trí. Thế nhưng ở đây, cây thông vòng kính chỉ 12-15cm thôi đã bị đẽo 2 - 3 vị trí, thậm chí cả 2 mặt của thân cây để lấy nhựa. Cứ đà này chỉ chừng năm đến mười năm nữa toàn bộ rừng thông sẽ bị chết. Khi đấy trách nhiệm lại đổ lên đầu chúng tôi".


Theo như ông Lê Văn Hiền, một trong ba hộ ở Diễn Lợi được khai thác nhựa trên rừng thông của mình thì một kg nhựa thông hiện nay có giá khoảng 40.000 đồng, mỗi cây khai thác được 1,7 kg/năm, mỗi ha có từ 350 - 500 cây, nếu tính sơ sơ mỗi năm một ha cho thu lãi gần 30 triệu đồng. Số tiền thu được, 80% gia đình ông được hưởng, số còn lại nộp cho ngân sách xã. Như vậy với trên 100 ha rừng thông khai thác, sau khi nộp vào ngân sách xã một năm 30 triệu đồng thì hàng năm HTX TM & CB Nông lâm Quỳnh Văn thu lãi hàng trăm triệu đồng.


Thấy bỏ công sức trồng rừng mà không được hưởng quyền lợi gì, cuối năm 2010, anh Nguyễn Xuân Sơn đại diện cho một số gia đình ở đây viết đơn xin chính quyền xã được khai thác nhựa thông trên khoảnh rừng của mình. Tuy nhiên, khi đó chính quyền xã đã từ chối bởi lý do hợp đồng khai thác nhựa thông của xã với HTX TM&CB Nông lâm Quỳnh Văn đến năm 2013 mới hết hiệu lực.


Mỹ Hà - Bích Huệ