Thu hút mạnh đầu tư, tạo bước phát triển mới trên huyện quê Bác

13/05/2011 18:59

Đồng chí Thái Văn Nông - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.


P.V: Xin đồng chí cho biết một số thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua (2006 - 2010) của huyện Nam Đàn?


Đ/c Thái Văn Nông:

Đó là kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá, bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,05%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm dần từ 51,86% (năm 2005) xuống 45,3% (năm 2010), công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,28% lên 28,71%, dịch vụ cũng tăng từ 25,86% lên 25,99%.

Bình quân thu nhập đầu người của huyện tăng từ 5,9 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên trên 16 triệu đồng/người/năm (năm 2010). Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế cũng được đầu tư, quan tâm đồng bộ nên có nhiều khởi sắc.

Các chính sách với người có công, chính sách an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội được thực hiện tốt; công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,7% (năm 2005) xuống còn 6,5% năm 2010 (Theo tiêu chí cũ). Tình hình quốc phòng an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, niềm tin của nhân dân vào các cấp ủy chính quyền ngày càng tăng. Từ đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.


Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh qua các năm: quy mô vốn năm 2005 là 185,68 tỷ đồng thì đến năm 2009 đạt 360,6 tỷ đồng và năm 2010 đạt 431,5 tỷ đồng... Giai đoạn 2006 - 2010 đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động sản xuất 03 nhà máy gạch, 01 nhà máy nước, 01 nhà máy bia và một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hoạt động xây dựng.

Huyện cũng đã tiếp nhận các dự án lớn với số vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng như: Nhà máy may đồ thể thao xuất khẩu Hai Vina Kim Liên do Công ty Haivina (Hàn Quốc) đầu tư, tổng mức 5.000.000 USD; Cụm dệt may Nam Đàn HANOISIMEX do Tổng Công ty CP dệt may Hà Nội đầu tư với số vốn trên 1.000 tỷ đồng sẽ thu hút gần 4.000 lao động. Hiện tại, các cụm công nghiệp đang thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật rất thuận lợi.

Khởi công Dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanoisimex.
Ảnh: Lê Nam (Huyện ủy Nam Đàn)


Các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại các xã Nam Xuân, Nam Lộc, Nam Hưng đã được đầu tư xây dựng với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Dự án phục dựng chùa Đại Tuệ đã được khởi công xây dựng với quy mô và cảnh quan rất đẹp đang hứa hẹn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn. Các dự án đầu tư khu thương mại đô thị Nam Cầu Đòn, Đông Thị trấn, Khu du lịch sinh thái Núi Chung cũng đã được các nhà đầu tư thiết kế chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Đây thực sự là những điểm nhấn để góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của huyện nhà.


P.V: Từ kết quả thu hút đầu tư khả quan, huyện sẽ tập trung cho nhiệm vụ này như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?


Đ/c Thái Văn Nông:

Trong những năm tới, Nam Đàn tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài đầu tư vào xây dựng và phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn; đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp đã được quy hoạch tại các xã Nam Giang, Vân Diên, Nam Thái, Rú Bùi (Khánh Sơn), các khu du lịch sinh thái tại hồ Thanh Thủy (Vân Diên), hồ Tràng Đen (Nam Hưng), khu hồ thành (Nam Kim).... Ngoài ra, huyện ưu tiên các dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân...


Định hướng đó là nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của huyện Nam Đàn là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm đón từ 2,5 đến 3 triệu lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan; trên địa bàn huyện có hơn 108 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có gần 30 di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia như: Quần thể Khu di tích lịch sử - văn hoá Kim Liên, Quần thể di tích Vua Mai, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Lê Hồng Sơn...

Nam Đàn còn có hơn 7.500 ha rừng được gắn liền với các di tích lịch sử, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử - văn hoá. Mặt khác, Nam Đàn có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối tốt, thuận tiện cho việc thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các huyện lân cận và các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, nguồn lực lao động của huyện lại dồi dào gần 83.000 người với bản chất cần cù, chịu khó, có thể đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


P.V: Như vậy, huyện xác định rõ tiềm năng lợi thế và đề ra được định hướng đúng để thu hút đầu tư; nhưng vấn đề lại là ở giải pháp, thưa đồng chí?...


Đ/c Thái Văn Nông:

Phải "đi" từ những giải pháp cụ thể. Thời gian tới huyện sẽ tập trung quy hoạch và công bố quy hoạch các cụm công nghiệp, các khu du lịch sinh thái; căn cứ chức năng của từng cụm công nghiệp, các khu sinh thái để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

Trên cơ sở đó, tổ chức chỉ đạo công tác vận động và kêu gọi đầu tư, chủ động làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, giới thiệu quảng bá các cụm công nghiệp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan nhằm tiếp cận các doanh nghiệp làm việc với tỉnh để kêu gọi đầu tư.

Tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh và ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đối với ngành, lĩnh vực đầu tư. Trong thời gian sắp tới BCH Đảng bộ huyện sẽ có nghị quyết chuyên đề về thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp. Khi có nhà đầu tư, sẽ nhanh chóng hoàn thành thủ tục theo thẩm quyền, đồng thời cùng với nhà đầu tư giải quyết các thủ tục ở các cấp. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại các cụm công nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, đổi mới công nghệ...


P.V: Các mục tiêu phát triển KT - XH cụ thể đã được đặt ra cho giai đoạn phát triển 2010 - 201 của huyện nhà; đồng chí cho biết nhiệm vụ, mục tiêu chung nhất trong giai đoạn mới?


Đ/c Thái Văn Nông:

Đó là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát triển nhanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế một cách hợp lý, vững chắc, cải thiện trình độ dân trí, tăng cường và phát triển nguồn nhân lực, đồng hành với giữ vững trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Tập trung cao cho việc thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tất cả nhằm tạo bước phát triển mới là điều kiện để đưa vị thế của huyện nhà lên một tầm cao mới, xứng đáng là huyện quê hương của Bác Hồ kính yêu.


P.V: Xin cảm ơn đồng chí!


Đình Sâm (thực hiện)