Hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng cao

17/05/2011 11:23

P.V: Là ứng cử viên trẻ tuổi người dân tộc thiểu số, được giới thiệu bầu vào Quốc hội khóa XIII, điều đó có gây...

P.V: Là ứng cử viên trẻ tuổi người dân tộc thiểu số, được giới thiệu bầu vào Quốc hội khóa XIII, điều đó có gây cho bà những trở ngại?


Bà Cụt Thị Thủy:

Tôi quê nội ở Keng Đu (Kỳ Sơn), nhưng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Mường Xén. Vào ngành Giáo dục năm 2001, trong suốt 10 năm công tác tại huyện miền núi cao Kỳ Sơn, tôi đã trực tiếp đi đến nhiều bản làng và thấu hiểu được những khó khăn mà bà con nhân dân nơi đây phải trải qua, nhất là trong việc học hành.

Khi được ngành GD&ĐT giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIII tôi thực sự cảm thấy bất ngờ và vinh dự, chứ không lo lắng lắm. Để phân tích và có những kiến giải sâu sắc trước những vấn đề lớn lao của đất nước như những "cây đa, cây đề" trong Quốc hội các khóa trước thì tôi nghĩ mình chưa đạt được.

Nhưng với những gì mình đã được học tập, đã trải qua trong những năm tháng công tác, và với suy nghĩ của những người thuộc lớp trẻ, thì tôi tin chắc rằng mình sẽ có những lợi thế nhất định trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, qua đó phản ánh một cách kịp thời đến Quốc hội và giúp làm cầu nối trong việc người dân thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình đến cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Điều đó, đối với tôi cơ bản là lợi thế chứ không phải là những trở ngại khiến mình phải đắn đo.


P.V: Điều gì khiến bà tâm đắc nhất nếu trở thành ĐBQH khóa XIII?


Bà Cụt Thị Thủy:

Là một ứng cử viên hiện đang công tác trong ngành Giáo dục thì vấn đề mà tôi quan tâm nhất đó là các vấn đề về giáo dục. Theo tôi, trong những năm gần đây, đầu tư cho giáo dục đã có những bước tiến nhất định, song nền giáo dục của tỉnh nhà vẫn đang gặp phải những khó khăn, từ hiện tượng suy thoái đạo đức học đường, chất lượng đầu vào và đầu ra đối với giáo viên chưa cao, sinh viên ngành sư phạm ra trường chưa có việc làm còn nhiều, đặc biệt là sự chênh lệch giữa giáo dục ở các huyện miền núi với các huyện đồng bằng còn khá cao.

Chính vì vậy, tôi hi vọng sẽ được góp tiếng nói của mình trước Quốc hội để đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm thay đổi những thực trạng trong giáo dục hiện nay.


Bên cạnh đó, bản thân là người dân tộc thiểu số, sống và làm việc tại huyện miền núi, nên tôi thấu hiểu khá rõ những khó khăn, vất vả của đồng bào dân tộc ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, với trách nhiệm của một người đại biểu dân cử, tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất những chính sách quan tâm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Đồng thời có tiếng nói mạnh mẽ trước diễn đàn Quốc hội về các chế tài đủ mạnh trong công tác đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lạm phát, các vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường phối hợp giám sát các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện các luật và nghị quyết của Quốc hội, kịp thời nắm bắt những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện để kiến nghị, sửa đổi, bổ sung phù hợp.


P.V: Xin cảm ơn bà!


Đặng Cường (Thực hiện)