Trăn trở đời sống công nhân khu công nghiệp

17/05/2011 17:47

Sự ra đời và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Tuy nhiên, đời sống của lực lượng lao động trong các khu công nghiệp đang bị "bỏ ngỏ", thu nhập thấp, chưa được hưởng các chế độ theo qui định, dẫn đến tình trạng bãi công, biểu tình...

Sự ra đời và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra một kênh thu hút lao động rất có tiềm năng và hiệu quả, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Tuy nhiên, đời sống của lực lượng lao động trong các khu công nghiệp đang bị "bỏ ngỏ", thu nhập thấp, chưa được hưởng các chế độ theo qui định, dẫn đến tình trạng bãi công, biểu tình...


Hiện nay, toàn tỉnh có 6.050 công nhân đang làm việc tại 4 khu công nghiệp (KCN): Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi. Thu nhập bình quân một tháng (kể cả tiền lương và tiền thưởng) của người lao động từ 1,3 triệu đồng đến 1,9 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên, chỉ có những người lao động tại địa phương mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu cho bản thân, còn những người lao động nhập cư thì rất khó khăn do phải trang trải thêm nhiều chi phí khác như thuê nhà ở, tiền điện, tiền nước...


Theo báo cáo từ Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, lao động tại các khu công nghiệp của Nghệ An vẫn còn trên 90% công nhân phải thuê nhà trọ, với diện tích bình quân 5m2/người. Chất lượng nhà cho thuê, điều kiện vệ sinh, nước, điện chưa đảm bảo yêu cầu. Đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Công nhân công ty sản xuất máy lửa ga Trung Lai
được đảm bảo nhờ thỏa ước lao động tập thể


Chị Lê Thị Hương, quê Nghĩa Đàn, công nhân Công ty sản xuất gấu bông Matrix (khu công nghiệp Bắc Vinh) cho biết: "Không có bằng cấp, ở quê nhàn rỗi nên em xin vào làm tại Công ty với mong muốn có việc làm ổn định, tích cóp ít vốn sau này xây dựng gia đình. Nhưng với mức thu nhập hiện nay (xấp xỉ 1,2 triệu đồng/tháng) trừ chi phí thuê phòng trọ, tiền ăn, tiền điện nước coi như hòa. Có tháng, không làm tăng ca thì phải về quê mang rau, mang gạo xuống mới đủ đắp đổi qua ngày...". Đối với những người độc thân như chị Hương còn đỡ, các công nhân có gia đình lại càng chật vật. Hai vợ chồng là công nhân, thu nhập mỗi tháng (kể cả tiền làm thêm ca, tăng giờ) "kịch" nhất cũng khoảng 3-3,5 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền ăn, chi phí sinh hoạt, tằn tiện lắm mới đủ tiền mua sữa cho con.

Nhiều người, thu không đủ chi, con được 1 tuổi phải gửi về quê cho ông bà nội ngoại chăm sóc giúp... Bên cạnh đó, nhiều công ty, doanh nghiệp không đảm bảo quyền lợi cho người lao động: công nhân bị nợ lương, không được đóng Bảo hiểm xã hội, các chế độ nghỉ phép, phụ cấp ngày lễ, tết không sòng phẳng... đã "châm ngòi" cho các cuộc bãi công, biểu tình diễn ra trong thời gian qua.


Trước thực trạng đó, năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành QĐ 110/2007/QĐUBND về "Phê duyệt chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020", trong đó có nội dung về đầu tư xây dựng nhà cho công nhân.

Đến nay, Công ty đầu tư TECCO đã đầu tư xây dựng 4 khu nhà cho công nhân mua hoặc thuê với 140 căn hộ; tại KCN Bắc Vinh, Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị xây dựng Nghệ An đã xây dựng 12 căn hộ cho công nhân thuê; KCN Nam Cấm có 4 đơn vị xây dựng khu lưu trú dành cho công nhân (gồm Công ty TNHH Con heo Vàng; Công ty TNHH Á Châu, Công ty TNHH Chế biến gỗ Việt Trung và Công ty Viglacera). Mặc dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu ở của công nhân nhưng với sự nỗ lực đó của các công ty, doanh nghiệp đã phần nào "hạ nhiệt" về chính sách nhà ở cho công nhân.


Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có 336 doanh nghiệp thành lập được tổ chức công đoàn và thực tế đã có 209 doanh nghiệp ký thỏa ước lao động tập thể với người lao động, chiếm 62%.

Bà Trương Thị Cẩm Thanh, Chủ tịch công đoàn Công ty sản xuất bật lửa gas Trung Lai (KCN Bắc Vinh) cho biết: "Bắt đầu từ năm 2011, Công ty đã ký thỏa ước lao động tập thể với công nhân, theo đó, mọi chế độ, quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan được thỏa thuận, ký kết, làm căn cứ pháp lý để tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Hiện tại công ty có 700 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2,4-3,2 triệu/ người/ tháng; công nhân được làm việc trong môi trường lành mạnh, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, công ty còn đưa ra chế độ khen thưởng hợp lý, khuyến khích công nhân tăng năng suất và hiệu quả lao động: tiền thưởng chuyên cần; tiền thưởng định mức; trợ cấp làm thêm giờ, tiền trợ cấp nhà ở; hỗ trợ phí xăng xe; tiền trợ cấp nuôi con nhỏ..."


Tuy nhiên, những doanh nghiệp chăm lo tốt đời sống cho công nhân như Công ty TNHH sản xuất bật lửa gas Trung Lai không nhiều, hầu hết công nhân làm việc trong các khu công nghiệp phải chịu đựng nhiều thiệt thòi: thu nhập thấp; chi phí sinh hoạt cao, làm việc trong môi trường độc hại, các chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Đội ngũ công nhân là lực lượng lao động có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, do đó, tỉnh, các ban, ngành liên quan, chủ các doanh nghiệp cần có sự quan tâm đúng mức, giúp họ yên tâm lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.


Thanh Phúc