Người nhân giống vật nuôi ở Thái Hoà
(Baonghean) - Gần chục năm nay, chị Nguyễn Kim Tiến (ở phường Quang Tiến, Thị xã Thái Hoà, Nghệ An) nổi tiếng trong việc nhân giống vật nuôi hoang dã như lợn rừng, gà rừng… cung cấp cho bà con miền Tây xứ Nghệ.
Nhắc đến chị Kim Tiến, bà con chăn nuôi ở Thái Hòa khâm phục tài chăn nuôi, sản xuất kinh doanh của chị. Chịu thương chịu khó, không cam chịu trước thất bại, đến nay chị đã có trong tay một cơ ngơi trang trại mỗi năm cho lãi ròng hàng trăm triệu đồng. Chẳng hề qua một lớp đào tào về chuyên ngành chăn nuôi nhưng mỗi năm trang trại của chị cứ sinh lãi đều đặn mà không xảy ra dịch bệnh. Hỏi bí quyết, chị khiêm tốn nói: “Qua kinh nghiệm thực tế và chịu khó tìm đọc sách vở, người chăn nuôi sẽ thành công. Điều quan trọng là đã đầu tư vào chăn nuôi thì không được nản chí”.
Trang trại của chị ở xã Nghĩa Quang (nay là phường Quang Tiến) đã trở thành địa chỉ nhân giống nuôi cho bà con không chỉ ở Nghệ An mà cả khắp nơi như: Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình… tìm đến. Chị Tiến cho biết, sau khi bỏ vốn đầu tư cải tạo, xây dựng trang trại quy mô gần 4 héc ta ở chân đồi rú Lê cách xa khu dân cư, năm 2008 chị vào tận Đà Nẵng mua 9 con lợn nái rừng hậu bị về chăm sóc. Năm sau, mỗi con chu kỳ sinh sản 2 lứa một năm đã nhanh chóng nhân đàn lên hàng chục con lợn rừng, sau gần 4 tháng xuất trại đạt khoảng 20kg với giá giao động từ 200 đến 250 ngàn đồng/kg. Sau khi hoàn chỉnh hệ thống trang trại thoáng mát, chuồng trại sạch sẽ, đủ nhân công, chị ra Quảng Ninh mua thêm 50 con lợn nái thuần chủng Móng Cái về nuôi cho sinh sản.
Đàn lợn rừng trong trại của chị Tiến.
Chia sẻ bí quyết, chị Tiến cho biết thêm, muốn thành công, trước hết người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi sự phát triển của con vật cũng như vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, chăn nuôi theo mô hình VAC là điều rất thuận tiện để cân bằng hệ sinh thái môi trường, giúp con giống phát triển khoẻ mạnh. Đó chính là lý do chị mạnh dạn nhận đất trống đồi trọc trồng rừng bao quanh, tạo không khí mát mẻ cho con vật. Điều này đặc biệt thích hợp với nuôi lợn rừng vì đỡ tốn công chăm sóc, nguồn thức ăn lại có sẵn. Ngoài ra, tranh thủ mọi lúc chị chịu khó bỏ công đi tham quan các mô hình trang trại trong cả nước, nơi nào chăn nuôi giỏi là chị tìm đến học hỏi. Qua nhiều đợt dịch bệnh bùng phát nhưng đến nay trang trại của chị Tiến vẫn an toàn tuyệt đối. Cách chăn nuôi được xem là “mát tay” của chị được nhiều người tìm hiểu, học tập.
Đến nay trong trang trại của Kim Tiến luôn có tới 300 con lợn thịt, hơn 100 con lợn rừng, chưa kể gần chục tấn cá các loại nuôi dưới ao. Mỗi năm, chị tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động là con em có hoàn cảnh khó khăn. Chăn nuôi thành công, chị thành lập công ty cổ phần chuyên kinh doanh, dịch vụ, vận tải hàng hoá mang tên mình, tạo công việc ổn định cho hàng chục lao động địa phương.
Ngọc Thái