Xi măng Đô Lương: Sau hai lần đổi chủ vẫn chưa xong!
Triển khai dự án từ 2006, đến nay sau hơn 6 năm Nhà máy xi măng Đô Lương vẫn chưa mọc lên, trong khi đó tỉnh đã bỏ ra gần 100 tỷ đồng đầu tư đường giao thông, đền bù giải phóng mặt bằng, hạ tầng đến hàng rào...
Đến Bài Sơn - Đô Lương, vào thăm Dự án Nhà máy Xi măng Đô Lương, ngoài văn phòng làm việc thì khu nhà máy vẫn là bãi đất trống. Đây được xác định là công trình thu hút đầu tư trọng điểm của tỉnh nằm trong Đề án phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An theo Quyết định 147/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã bỏ ra 55 tỷ đồng để xây dựng đường vào nhà máy, 27.427,6 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư. Tổng ngân sách đã bỏ ra cho Xi măng Đô Lương gần 100 tỷ đồng.
Đường vào Nhà máy Xi măng Đô Lương do tỉnh đầu tư.
Theo thiết kế, dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 900.000 tấn xi măng/năm, công nghệ khô, lò quay với hệ thống tháp trao đổi nhiệt 1 nhánh 5 tầng do công ty CP Xi măng Đô Lương làm chủ đầu tư. Các cổ đông ban đầu là Tổng Công ty lắp máy Việt Nam, Tổng Công ty công trình giao thông 4, Công ty xi măng Cầu Đước, Tổng công ty XD 1, trong đó, tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) nắm giữ cổ phần chi phối.
Tiến độ ban đầu của dự án là lắp đặt xong vào cuối năm 2009, vận hành vào đầu năm 2010. Thế nhưng do các cổ đông sáng lập phần lớn là thiếu vốn, chỉ góp trên sổ sách, một số cổ đông sau nhiều năm không góp đồng nào, rút cục 3 cổ đông ban đầu phải ra khỏi danh sách: Tổng Công ty công trình Giao thông 4, Công ty CP xi măng Cầu Đước và Tổng công ty xây dựng 1.
Li la ma lâm vào tình thế khó xử, "đi không được ở không xong", đành phải thu hút thêm cổ đông mạnh hơn mình để "trút trách nhiệm". Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD) thế chân các cổ đông và trở thành cổ đông chi phối của Dự án Nhà máy Xi măng Đô Lương. Khi được tin HUD vào đầu tư Xi măng Đô Lương, tỉnh ta có phần yên tâm và hi vọng dự án sẽ xuôi chèo mát mái.
Do dự án kéo dài, UBND tỉnh đã ban hành hàng chục công văn để giải quyết các vướng mắc và đôn đốc, nhắc nhở. Ngày 09/12/2010, UBND tỉnh có công văn nhắc nhở, trong đó có đoạn: " Dự án đầu tư Xi măng Đô Lương đã thực hiện kéo dài hơn 5 năm, triển khai chậm hơn nhiều so với tiến độ Chủ đầu tư cam kết. Thời gian qua UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng tình hình đến nay vẫn không có chuyển biến tích cực".
Ngày 07/04/2011, UBND tỉnh đã có Thông báo số 123/ TB/ BND.CNvề ý kiến kết luận của đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Nhà máy Xi măng Đô Lương và các cấp, các ngành. Yêu cầu Công ty CP Xi măng Đô Lương chậm nhất đến 30/04/2011 phải có báo cáo tiến độ về dự án.
Sau đó, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị có Công văn số 1244 ngày 21/4/2011 gửi UBND tỉnh cam kết như sau. Trước hết Tập đoàn HUD với tư cách là cổ đông chi phối lại có văn bản nhận trách nhiệm trước UBND tỉnh Nghệ An về việc chậm tiến độ thực hiện dự án vì những lý do khách quan và chủ quan. Để giải quyết các khó khăn, tập đoàn kính đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình đối với dự án về thủ tục đầu tư, chính sách hỗ trợ đầu tư như trong thời gian qua để dự án đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội đề ra.
Tập đoàn HUD nêu trong văn bản: " Nếu nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An cùng các cấp, các ngành của tỉnh, Tập đoàn HUD xin cam kết chỉ đạo Công ty CP Xi măng Đô Lương thực hiện dự án có hiệu quả kinh tế, đảm bảo tiến độ. Chạy thử tháng 8/2013. Bàn giao đưa vào sử dụng 12/9/2013.
Tuy nhiên, các chuyên viên đầu tư phụ trách dự án này của UBND tỉnh cho rằng: Công văn trên chẳng qua là một sự biện bạch, trốn tránh của nhà đầu tư. Bởi nhà đầu tư còn nêu điều kiện sẽ khởi động lại dự án nếu được UBND tỉnh đảm bảo các chính sách cho dự án.
Trong khi đó, trách nhiệm của UBND tỉnh đã hết sức đối với dự án. Do không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, dự án đã bị Ngân hàng phát triển từ chối cho vay ưu đãi. Nay theo qui định mới, dự án không thuộc đối tượng được vay ưu đãi nữa.
Theo đại diện Công ty CP Xi măng Đô Lương ông Trần Văn Noãn, do dự án gặp quá nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng Kho K41 của Quân khu 4 trong phạm vi phải giải toả. Nhưng cốt lỗi là các cổ đông thiếu vốn. Vốn tự có của các cổ đông ghi trong giấy tờ là 450 tỷ đồng, trong khi đó dự án cần đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
Mặt bằng xây dựng Nhà máy xi măng Đô Lương vẫn còn để trống.
Về vốn vay: hiện nay dự án không được vay ưu đãi về nội tệ, còn ngoại tệ cũng đang trong quá trình tiếp xúc với các ngân hàng nước ngoài. Hiện tổng thầu EPC và hợp đồng nhập khẩu thiết bị đã ký kết nhưng vẫn chưa thu xếp được nguồn vốn vay để tạm ứng cho các nhà thầu nên công việc tiếp theo phải tạm dừng.
Chính vì thiếu vốn, để lỡ thời cơ, hết cơ chế ưu đãi nên các cổ đông vào rồi lại ra, nhà máy lâm vào sống dở chết dở. Nhà đầu tư thì liên tục nêu ra những yêu cầu đối với tỉnh, trong đó nhiều yêu cầu không thể đáp ứng.
Dư luận cho rằng Dự án Nhà máy Xi măng Đô Lương do thu hút nhà đầu tư chưa đủ tầm, thiếu nhiệt huyết trong đầu tư nên đã lãng phí rất lớn tiền bạc của ngân sách cho dự án, gây bức xúc trong nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Nhân sự của các công ty bị xáo trộn và đời sống việc làm của hàng chục lao động đang bị ảnh hưởng do dự án không tiến triển.
Nhưng hệ luỵ xấu nhất là rồi đây với những yêu cầu của tập đoàn HUD không thể đáp ứng thì HUD không làm nữa, Xi măng Đô Lương sẽ đi đâu về đâu?
Châu Lan