Bác Hồ dự Đại hội Hội nhà báo
Những người viết báo thường may mắn được nhiều dịp gặp Bác Hồ. Bác Hồ lại rất quan tâm đến báo chí. Đại hội Hội nhà báo lần thứ hai, Bác đến thăm, thể hiện sự quan tâm của một lãnh tụđối với cán bộ, của một người viết báo lão luyện đối với lớp người sau.
Sau khi Đại hội nghe đồng chí Trường Chinh nói chuyện thì Bác đến. Ngay từ phút đầu Bác đã đem đến đại hội không khí sôi nổi, tươi vui. Bước lên bục nói chuyện, Bác để chồng báo xuống và giơ hai tay ra hiệu ngồi xuống rồi Bác dí dỏm nói: "Mời toàn thể an tọa". Bác nhấn mạnh hai chữ "an tọa" cho vui, nhưng thực ra ý Bác là những người viết báo hay sính dùng danh từ như vậy. Cả hội trường vang tiếng cười. Bác bảo "Mọi việc đồng chí Trường Chinh và chú Hoàng Tùng đã nói đầy đủ. Bác chỉ nói về nghiệp vụ thôi". Những người viết báo chăm chú nghe Bác nói về kinh nghiệm viết báo ở Pháp, chuyện Bác dày công luyện tập khi viết một bài từ ngắn đến dài, rồi từ dài đến ngắn.
Nhận xét về báo chí của ta, Bác khen là đã đạt được thành tích đáng kể. Bác vui vẻ giới thiệu tỉ mỉ vềưu khuyết điểm của các báo trong việc trình bày, văn phong, chạy tít, đưa ảnh... Bác lấy ra một tập báo mang theo đã đánh dấu sẵn. Bác cầm một tờ báo hàng tuần có in ảnh một cô công nhân đang ngồi, ảnh cỡ lớn chiếm toàn bộ trang báo. Bác giơ cao cho mọi người xem rồi hỏi: "Cô này đang ngồi làm gì đây?" Các nhà báo chỉ biết là ảnh một cô công nhân khá xinh, để trang nhất cũng đẹp nhưng không hiểu nhằm nói vấn đề gì? Thế là Bác chỉ cho biết dùng một tấm ảnh trên báo phải chú trọng đến nội dung, không được dễ dãi.
Đưa ra một tờ báo khác, Bác nói: "Các chú là nhiều danh từ lắm"! Thế "không phận" là gì? Thưa Bác là "vùng trời ạ"! Thế gọi là "vùng trời" có phải ai cũng dễ hiểu hơn là dùng chữ "không phận" không? Bác vui vẻ cười và nói thêm: "Các nhà báo phải có trách nhiệm đừng để cho tiếng mẹđẻ của chúng ta ngày một mai một đi". Bác lại dẫn chứng: "chúng ta có hai chữ "vẻ vang" rất hay, lại không dùng, chỉ thích dùng chữ "vinh quang". Nhiều người làm thơ lại gọi "quang vinh" cho nó hợp vần". Bác lại lấy ra một tờ báo khác, trên trang nhất tờ báo có đưa tin về hai đoàn đại biểu của hai nước bạn đến cùng một ngày thăm nước ta. Bác chỉ vào đó và giải thích: "Như thế này là các chú bên trọng, bên khinh. Hai đoàn đến cùng một ngày tại sao lại đưa đoàn này lên trên, in chữ to, còn đoàn kia in chữ nhỏ xếp ở dưới".
Bác còn chỉ rõ những chỗ sai lầm làm lộ bí mật về tài nguyên của quốc gia trong việc tuyên truyền trên báo. Việc một số báo chưa chú ý đến đối tượng phục vụ cũng được Bác chỉ bảo chân tình.
Bác còn kể một câu chuyện vui mà không ai nhịn cười được: Nhân ngày sinh nhật của Bác, một tờ báo địa phương đăng thư của đồng bào chúc mừng Bác. Chúc Bác mạnh khỏe sống lâu lại viết là: "Chúc Bác bách niên giai lão". Bác cười: "cái câu chúc mừng dành riêng cho cô dâu chú rể trong buổi thành hôn ấy, bỗng lại dành chúc thọ Bác", làm mọi người càng cười râm ran. Thật chết cho cái bệnh sính chữ nghĩa!
Mỗi lần cầm bút viết báo, lại nhớ những lời dặn dò của Bác, bởi vì Bác là lãnh tụ, là nhà báo lỗi lạc của chúng ta.
Lê Hồng Tân (ST)