Tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn cần được khai thông trở lại?

21/06/2011 10:28

Tuyến đường sắt từ Ga Cầu Giát lên Nghĩa Đàn được xây dựng từ thế kỷ XX nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa đồng bằng và các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Khoảng mấy chục năm về trước, nó được xem như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược, thế nhưng, hiện tuyến đường này đang bị lãng quên.

(Baonghean) - Tuyến đường sắt từ Ga Cầu Giát lên Nghĩa Đàn được xây dựng từ thế kỷ XX nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa đồng bằng và các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Khoảng mấy chục năm về trước, nó được xem như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược, thế nhưng, hiện tuyến đường này đang bị lãng quên.

Sứ mệnh lịch sử một thời

Còn nhớ, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tuyến đường sắt từ ga Cầu Giát lên Nghĩa Đàn cứ đúng giờ điểm, đoàn tàu lại chất đầy hàng hoá từ miền xuôi lên và vận chuyển lâm thổ sản… về ga chính để xuôi Nam, ngược Bắc. Ai đã từng sống vào những năm ấy, dù bận trăm công nghìn việc nhưng khi tiếng còi tàu cất lên thì biết chắc là thời gian điểm mấy giờ. Người dân sống dọc tuyến đường sắt như xã Ngọc Sơn, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) lên tận mạn Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn)…đều quen thuộc với hàng chục toa tàu nối đuôi nhau lăn đều theo lịch trình. Có thời điểm, đoàn tàu chạy 2 đến 3 chuyến mỗi buổi.

Tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn một thời đã mang sứ mệnh lịch sử, giúp bà con thông thương qua lại, khai sáng cả một vùng đất màu mỡ Phủ Quỳ, góp phần chung vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Giữa những năm của thập niên 60 của thế kỷ trước, tuyến đường sắt này đã từng ghi dấu tích cảnh bà con gồng gánh hàng hoá, tài sản để bám toa, bám tàu di dân lên miền ngược khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Năng lực vận tải hàng hoá của tuyến đường sắt từ Giát lên Nghĩa Đàn gần 40 năm về trước không chỉ giúp cho sự thông thương kinh tế - xã hội giữa bà con miền núi của các huyện như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và miền xuôi như Quỳnh Lưu, Diễn Châu trở nên nhộn nhịp, mà còn có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mý cứu nước một thời.


Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn mấy năm nay là nơi trẻ chăn trâu chơi đùa (ảnh chụp tại cung đường qua xã Nghĩa Thuận).

Nhiều thôn, xóm người kinh ở đồng bằng lên Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp bây giờ đời sống khá giả vẫn không quên được những chuyến tàu hối hả ngược xuôi những năm đánh Mỹ.

Bây giờ bị quên lãng?

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, tuyến đường sắt này đã vắng bóng những con tàu qua lại.

Dò hỏi mãi chúng tôi mới tìm được đường vào Ga Nghĩa Đàn bây giờ thuộc địa phận Thị xã Thái Hoà. Hình ảnh sập sệ, đìu hiu, cỏ dại mọc um tùm xung quanh Ga là điều dễ nhận thấy. Gặp ông Trương Văn Dũng, Trưởng ga Nghĩa Đàn, người gắn bó với tuyến đường sắt từ năm 1981, hỏi về thực trạng hoạt động của Ga Nghĩa Đàn hiện nay, ông Dũng cho biết: Tuyến đường sắt từ Ga Cầu Giát lên Ga Nghĩa Đàn dài gần 30km được xây dựng từ năm 1966 có nhiệm vụ tập kết vật liệu, trung chuyển về dưới xuôi, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Phủ Quỳ một thời tấp nập hàng hoá qua lại. Đến nay, mặc dù vẫn thường xuyên có đội tuần đường làm công tác đảm bảo được mặt an toàn, kỹ thuật nhưng một tháng vẫn không có toa hàng nào để vận tải. Không có việc làm, không có thu nhập, anh em công nhân ở đây chỉ còn cách đóng cửa nhà ga đi làm việc khác.

Cũng theo ông Dũng, xét về mặt an toàn cũng như chi phí thì hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt rẻ bằng 1/3 so với việc vận chuyển bằng đường bộ. Thế nhưng, do không có toa xe chuyên dụng cộng với địa bàn tập kết hàng hoá còn bất cập nên các doanh nghiệp khai thác khoáng sản không thể vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt. Cụ thể, gần 500 tấn đá Bazan của Công ty TNHH Vinh Long sau khi tập kết được hàng tại Ga thì số tàu xe không có đành đắp chiếu từ tháng 2/2010 đến nay. Số toa tàu, đầu xe không có nên khối lượng vận tải hàng hoá của Ga đề ra hàng quý cũng chỉ nằm trên giấy.


Nhếch nhác Ga Nghĩa Đàn.

Được biết, tuyến đường sắt này có 5 trạm Barie trực chắn ở các địa phương có đường dân sinh, đường Tỉnh lộ 537, Quốc lộ 48 với hàng chục cán bộ, công nhân nhưng hiện nay đang trong tình cảnh ngồi chơi.

Tình cảnh tương tự đối với Ga Cầu Giát. Không chỉ là nơi trung chuyển hàng hoá lên Nghĩa Đàn mà đây là điểm Ga nằm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam nhưng cũng “vắng tanh như chùa Bà Đanh”. Lý giải cho thực tế năng lực vận tải trên tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn giảm sút, Trưởng Ga Hồ Xuân Mai cho hay: Mấy năm trở lại đây, đầu xe được bố trí để vận chuyển hàng hoá trên tuyến đường này rất ít. Có năm, số lượt xe để phục vụ vận chuyển trên tuyến đường này chỉ đếm đầu ngón tay. Nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị lên trên tăng đầu xe để phục vụ vận chuyển nhưng không có. Số toa xe phục vụ vận tải cũng không còn phù hợp với loại hàng rời như bột đá, quặng thiếc, chất phụ gia. Khách đặt hàng vận chuyển từ đó cũng không đoái hoài gì tới nữa.


Gần 500 tấn đá Bazan của Công ty Vinh Long đành đắp chiếu gần 2 năm nay.

Cần được khai thông trở lại?

Dọc dài theo tuyến đường sắt từ Cầu Giát lên Nghĩa Đàn là cả một bình nguyên trù phú, phủ kín một màu xanh của rừng, của bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê tít tắp mạn Phủ Quỳ. Chưa kể, ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu với cơ man nguồn tài nguyên khoáng sản như đá Bazan, đá trắng, quặng… Nhiều trang trại, nhà máy đang mọc lên trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ sẽ tạo ra các nguồn hàng hoá cộng với việc khai thác tài nguyên cung cấp cho các vùng, miền không chỉ trong tỉnh mà vươn ra cả nước. Và như thế, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt là không nhỏ. Theo tính toán, đường sắt vẫn có nhiều ưu việt so với vận tải bằng đường bộ. Đó là giá thành vận tải rẻ, lại có thể trung chuyển với khối lượng lớn và độ an toàn lại cao.

Muốn phát huy tiềm năng của ngành đường sắt, việc trước mắt là phải đầu tư, nâng cấp toa xe và tăng số lượng đầu xe kịp thời. Thiết nghĩ, trước thực trạng trên, các cấp cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm phát huy hết năng lực vận tải của tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn. Trước mắt, để nối lại công tác vận tải hàng hoá được đồng đều, ngành đường sắt cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Ga Cầu Giát và Nghĩa Đàn, quy hoạch nâng cấp đường vào bến bãi cho thông thoáng, tìm kiếm nguồn hàng phong phú sẵn có tại địa bàn.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, phong phú, tuyến đường sắt Nghĩa Đàn - Cầu Giát cần được khôi phục lại, hay để nó rơi vào quên lãng cùng với những giá trị lịch sử, kinh tế một thời, mà nhà nước đã tốn không ít công sức, tiền bạc để đầu tư xây dựng?


Ngọc Thái