Chuyện về người cháu Bác Hồ và phong trào hiến đất ở Nam Đàn

18/05/2011 09:02

Nhiều tháng nay, trên toàn huyện Nam Đàn phong trào vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn được phát động rộng rãi. Tham gia và đi đầu trong cuộc vận động đầy ý nghĩa đó là ông Nguyễn Sinh Quế - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Kim Liên, người cháu cùng chi với Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Nhiều tháng nay, trên toàn huyện Nam Đàn phong trào vận động hiến đất làm đường giao thông nông thôn được phát động rộng rãi. Tham gia và đi đầu trong cuộc vận động đầy ý nghĩa đó là ông Nguyễn Sinh Quế - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Kim Liên, người cháu cùng chi với Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Với nhiều người, cái tên Nguyễn Sinh Quế không còn lạ lẫm bởi với 79 năm tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, trong suốt cuộc đời cách mạng ông đã có nhiều cống hiến cho quê hương Nam Đàn và ngành Nông nghiệp tỉnh nhà. Ông cũng được nhiều người biết đến hơn, bởi trong dòng họ ông là người cháu cùng chi với Bác Hồ và đã may mắn được gần gũi với Bác trong hai lần người về thăm quê.

Những khoảnh khắc quý giá đó, hiện còn được lưu giữ trong rất nhiều bức ảnh mà gia đình ông Quế treo trang trọng nơi phòng khách nhiều năm qua. Đó là hình ảnh ông cùng bà con trong xã bước đi bên Bác Hồ khi Người về thăm làng Hoàng Trù năm 1957, hình ảnh ông đứng cùng với Bác trên khán đài ở sân vận động Kim Liên trong chuyến Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, năm 1961. Ông kể: Chuyến về thăm quê của Bác lần thứ nhất, lúc đó mặc dù là Bí thư Đảng uỷ xã Kim Liên nhưng tôi và anh em trong huyện đều không biết chuyến về thăm này, chỉ biết là xã đang chuẩn bị đón một vị khách hết sức đặc biệt. Đến khi nhìn thấy Bác ngồi trong xe ô tô, đưa tay vẫy chào, mọi người mới mừng vui khôn xiết, tất cả đều đồng loạt đứng dậy hô lớn: "Bác Hồ! Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Trong chuyến về thăm quê thứ 2 của Bác, tôi vinh dự khi được đứng cùng một khan đài với Bác.


Nhân dân Nam Đàn làm đường giao thông liên thôn.

Tại buổi nói chuyện với bà con ở sân vận động xã. Trước đó, dù còn rất nhiều việc ở ủy ban nhưng biết thông tin có đông bà con đang đợi mình, Bác gạt lại tất cả và nói: "Ta phải đi ra ngay kẻo nắng tội bà con". Đi đến đâu, Bác cũng bắt tay mọi người, gặp cụ già thì Bác mời thuốc, gặp em nhỏ thì Bác chia kẹo và Bác bảo tôi cùng bắt nhịp để tất cả cùng hát bài "Đoàn kết".

Cũng trong chuyến về thăm này, với cương vị là uỷ viên chính thức của BCH Tỉnh uỷ Nghệ An và là cháu họ của Bác nên ông Nguyễn Sinh Quế được ở cùng với Bác một đêm tại Nhà khách Tỉnh uỷ. Khi biết ông còn trẻ (27 tuổi) mà đã có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường và rất hăng say với phong trào cách mạng, Bác đã động viên và căn dặn: "Cháu còn trẻ mà đã được Đảng và nhân dân giao trọng trách lớn là rất quý, rất tố,t nhưng cháu phải luôn nhớ rằng: Cán bộ là người đầy tớ của nhân dân, phải vì quyền lợi của nhân dân mà làm việc. Việc gì có lợi cho dân thì nhỏ mấy cũng phải làm, việc gì có hại cho dân thì nhỏ mấy cháu cũng phải tránh".

Lời dạy bảo chân thành đó là kim chỉ nam đã đi theo ông trong suốt chặng đường còn lại, dù trên bất kỳ cương vị nào. Năm nay đã gần bước sang tuổi 80, bước đi của ông không còn nhanh nhẹn nữa nhưng hàng ngày ông vẫn chăm chỉ đọc sách, viết báo, viết thơ. Ông cũng rất quan tâm đến chuyện làng, chuyện xã và luôn là "người cố vấn" tin cậy cho xã nhà mỗi khi quê hương có sự kiện quan trọng. Mới đây nhất, trong đợt vận động người dân hiến đất để làm con đường liên huyện nối quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương của cụ Phan Bội Châu, ông đã xung phong hiến 500m2 đất ruộng của gia đình. Điều đáng trân trọng là mảnh ruộng của gia đình ông tuy không nằm trong diện phải giải tỏa nhưng ông vẫn tình nguyện hiến để dành ruộng cho những gia đình chẳng may bị cắt để làm đường. Để cổ vũ cho phong trào này, ông còn làm thơ, ca ngợi con đường lịch sử, ca ngợi nghĩa tình cao đẹp của bà con trong thôn. Ông bồi hồi kể lại: "Từ năm 1963, khi tôi còn là Bí thư xã Nam Kim, người dân đã mở con đường Đan Nhiệm nối từ quê cụ Hồ sang quê cụ Phan. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khách quan, từ bấy đến nay, đường vẫn đang là đường đất. Phải chờ đợi gần 40 năm, người dân Nam Đàn mới thỏa được niềm ao ước mở rộng và nâng cấp cho con đường này. Vì thế, không riêng gì tôi mà hàng chục hộ khác trong thôn đều rất hồ hởi hiến đất. Tôi cũng rất mừng bởi không riêng gì Kim Liên mà phong trào hiến đất còn lan sang nhiều xã khác ở Nam Đàn như: Hùng Tiến, Xuân Hòa, Nam Nghĩa, Khánh Sơn"...

Đến nay ở Nam Đàn đã có trên 800 hộ dân tự nguyện hiến trên 110.000m2 đất để làm 20km đường giao thông. Các xã ở Nam Đàn đều có đường ô tô vào tận nơi, đường xóm, đường liên gia được mở rộng 4,5-6,5m, trục đường chính của xã mở rộng 12m. Theo ông Nguyễn Hồ Bá - Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đàn thì thành công trong vận động nhân dân hiến đất làm đường ở Nam Đàn chính là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thông qua những việc làm và con người cụ thể như bác Quế, bác Toàn (xã Vân Diên)... Ngoài ra, huyện cũng chủ trương giao việc giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương và kêu gọi sự tự nguyện của nhân dân nhằm phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng. Đây cũng chính là điểm mạnh của Nam Đàn mà không phải địa phương nào cũng thực hiện được.


Hà - Ly