35 năm chặng đường phát triển đất nước

30/06/2011 19:09

Tròn 35 năm kể từ ngày nước ta đổi tên thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/7/1976 – 02/7/2011), đất nước ta đã có bước phát triển đi lên và ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế và khu vực; tham gia có hiệu quả vào công việc của cộng đồng quốc tế.

(Baonghean) - Tròn 35 năm kể từ ngày nước ta đổi tên thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/7/1976 – 02/7/2011), đất nước ta đã có bước phát triển đi lên và ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế và khu vực; tham gia có hiệu quả vào công việc của cộng đồng quốc tế.

Nhìn lại 35 năm trước, trong điều kiện đất nước thống nhất sau 21 năm bị chia cắt Nam - Bắc, sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại là hơn 23 triệu cử tri trong cả nước đã cùng đi bầu cử Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981). Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đã được tiến hành kỳ họp đầu tiên từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976 tại Hà Nội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng hiến pháp, về cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước khi chưa có hiến pháp mới và bầu các cơ quan đó để điều hành công việc chung của cả nước. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới. Ngày 02/7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – mở ra bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội khóa VI đã thực hiện niềm khát khao cháy bỏng của dân tộc Việt nam – khát khao độc lập, đất nước thống nhất. Một niềm khát khao như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dù có đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập”.

Sau 35 năm mang tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trải qua 7 nhiệm kỳ hoạt động với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, Quốc hội đã đưa đất nước ta có bước phát triển đi lên, tiến lên chủ nghĩa nghĩa xã hội; ngày càng nâng cao vị thế trên trường quốc tế và khu vực; tham gia có hiệu quả và uy tín vào công việc của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đặt ra cho Quốc hội khóa mới – Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016), cho 500 đại biểu Quốc hội một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2010 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động, Quốc hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016 sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhân dân các dân tộc Việt Nam có đầy đủ mọi khả năng và nghị lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vĩ đại đó.


Mai Hoa