Vinh danh những nhà báo tâm sáng, bút sắc

23/06/2011 10:28

Phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia tối 21/6, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá, báo chí đã tự đổi mới và ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Buổi lễ trao giải được tổ chức long trọng Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô và truyền hình trực tiếp trên sóng VTVI và VTV6.

(Baonghean) - Phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia tối 21/6, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá, báo chí đã tự đổi mới và ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Buổi lễ trao giải được tổ chức long trọng Cung văn hoá hữu nghị Việt Xô và truyền hình trực tiếp trên sóng VTVI và VTV6.

Trong buổi Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần này có mặt các đồng chí: Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia; Nguyễn Thị Doan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Doãn Hợp - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các bộ ban ngành Trung ương và các tác giả đoạt giải...


Đồng chí Trần Bình Minh - Ủy viên TƯ Đảng, Tổng giám đốc Đài PT-TH Việt Nam và đồng chí Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải cho các tác giả.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho rằng, các tác phẩm dự giải báo chí năm nay đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, phản ánh sinh động những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối ngoại của đất nước. Nhiều tác phẩm đã cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Đồng thời tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các tệ nạn xã hội; đấu tranh phản bác thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. “Tuy giải năm nay chưa có những tác phẩm thật sự nổi trội, tạo tiếng vang lớn trong xã hội, làm lay động lòng người, chưa phản ánh đầy đủ diện mạo của nền báo chí nước nhà trong năm 2010 nhưng các tác phẩm đoạt giải, nhất là giải A, thật sự là những tác phẩm xuất sắc, có tính phát hiện trong nội dung và sự tìm tòi về phương cách thể hiện” - đồng chí Đinh Thế Huynh nhận xét.

Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã quyết định trao giải cho 69 tác phẩm đoạt giải (trong đó có 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C) và 59 giải khuyến khích. Ngoài ra, 33 tác phẩm còn lại cũng được hội đồng trao giấy chứng nhận được vào vòng chung khảo. Rất vinh dự trong đợt trao giải này, Hội nhà báo Nghệ An đã có 2 tác phẩm đoạt giải quốc gia , đó là giải B của nhà báo Ngọc Dũng - Như Phong, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An với tác phẩm “Chuyện bây giờ phải nói” và một giải C của nhà báo- nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh, Báo Nghệ An với phóng sự ảnh “Cận cảnh vùng rốn lũ”.

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của báo chí vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. đồng chí khẳng định, báo chí cũng tự đổi mới và ngày càng trưởng thành về mọi mặt. Báo chí đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; báo chí góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta đến với bạn bè quốc tế, đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.

Đồng chí nhấn mạnh: Để đất nước hoàn thành những mục tiêu, phương hướng đề ra, báo chí cần tập trung tuyên truyền việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân. Báo chí tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phát huy vai trò tích cực trong việc phát hiện, phê phán, lên án tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoát tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, báo chí cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo báo chí…

Tại buổi lễ trao giải, đồng chí Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc sức khoẻ tới các nhà báo và chúc các nhà báo tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước và sự phát triển báo chí của nước nhà…


Sỹ Minh