Bài 1: Những kết quả phấn khởi

12/07/2011 09:14

Từ tháng 1/2001 đến tháng 8/2010 Nghệ An có 166 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được sắp xếp, đổi mới theo hình thức cổ phần hóa (CPH).

Trong số đó có: 10 đơn vị chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên; bàn giao, sáp nhập về Trung ương 20 DN; bàn giao sáp nhập về địa phương 11 doanh nghiệp; chuyển đơn vị sự nghiệp có thu và ban quản lý 9 đơn vị; sắp xếp đổi mới 15 nông trường quốc doanh thành doanh nghiệp nông công nghiệp. Ngoài ra tỉnh bán, khoán kinh doanh và giải thể 14 doanh nghiệp...

Trước khi sắp xếp, đổi mới, các DNNN ở trong tỉnh đều quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, mức nộp ngân sách thấp, sức sản xuất kém. (Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2000 đạt 1.365 tỷ đồng (giá 94). Số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (SXKD) có hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn còn ít. Phần lớn các DN còn ở trong tình trạng khó khăn về vốn và phương hướng phát triển, thu nhập bình quân thấp (bình quân người lao động từ 500 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/tháng) (số lao động có việc làm thường xuyên là 83%), đời sống người lao động khó khăn.


Công ty CP ĐT-PT hạ tầng kỹ thuật đô thị Vinh đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông thành mỏng.

Các doanh nghiệp còn nợ ngân hàng, nợ ngân sách đến 12.972 triệu đồng (chưa kể 80 tỷ đồng nợ khác.) Một số DN mất hết vốn nhà nước (vốn nhà nước trước chuyển đổi chỉ còn 264.049 triệu đồng). Hiện vốn chủ yếu nằm trong tài sản nhà cửa, máy móc thiết bị không có giá trị cao (tài sản không cần dùng và chờ thanh lý đến gần 27 tỷ đồng ), hoạt động SXKD chủ yếu là vốn vay ngân hàng mà lãi vay lớn, dẫn đến hiệu quả kinh doanh rất thấp.

Tình hình đó cho thấy việc sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hóa DNNN là tất yếu. Cổ phần hóa sẽ tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc", tăng quyền chủ động cho sơ sở. Người lao động gắn bó với doanh nghiệp do có cổ phần, lời ăn lỗ chịu. Từ đó, DN sẽ hoạch định, xây dựng chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp để có lãi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Khi hướng sản xuất, kinh doanh rõ ràng, ổn định, thì có đủ điều kiện để huy động vốn đầu tư chiều sâu, thay đổi dây chuyền công nghệ.

Kết quả SXKD của các DN khảo sát trong năm 2010 và đến nay cho thấy: Vốn điều lệ tăng lên gần 14 tỷ đồng. Doanh thu đạt 2.713.256 triệu đồng. Một số doanh nghiệp tạo được bước nhảy vọt trong doanh thu, điển hình như: Công ty ĐT - PT Chè Nghệ An, vốn điều lệ trước khi chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên là 7.195 triệu đồng thì nay đã lên 18.614 triệu; doanh thu trước khi chuyển đổi chỉ 55 tỷ đồng thì nay 138 tỷ đồng, nộp ngân sách trước 587 triệu đồng và nay 2.906 triệu đồng. Hay như Công ty CP vận tải ô tô, doanh thu thời điểm tiến hành CPH mới 3,7 tỷ đồng nay lên gần 40 tỷ đồng, vốn điều lệ trước CPH là 4,3 tỷ đồng nay lên 10,5 tỷ đồng và thu nhập bình quân người lao động trước khi CPH là 450 nghìn đồng/ tháng nay lên 3,1 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, có thể kể đến Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp, Công ty CP Hữu Nghị, Công ty ĐT - PT nhà Nghệ An, Công ty CP ĐT - PT hạ tầng đô thị Vinh...

Nhìn chung các doanh nghiệp sau CPH sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Tổng doanh thu 166 doanh nghiệp tiến hành CPH đạt 2.713.256 triệu đồng, lãi trước thuế 232.596 triệu đồng, nộp ngân sách đạt 658.124 triệu đồng. Những công ty nộp ngân sách từ gấp 3 đến 5 lần như so với trước khi CPH là, Công ty CP xây dựng & phát triển nông nghiệp 10; công ty CP muối & thương mại Nghệ An, Công ty CP tư vấn & xây dựng thủy lợi... Lương bình quân của 6.851 người của các doanh nghiệp CPH đạt 2,1 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ lợi nhuận so với đồng vốn chủ là 60%.

Ưu điểm của CPH là tính tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh của DN được nâng lên, DN hoạt động không bị áp đặt bởi các chỉ tiêu kế hoạch của các cơ quan chủ quản như trước đây. Công tác quản trị, điều hành DN từng bước được đổi mới theo hướng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, tăng vai trò trách nhiệm của người quản lý, điều hành DN. Công tác tài chính tại DN được đổi mới theo hướng công khai hóa, minh bạch hóa. Năng lực cạnh tranh của các DN được nâng lên, từng bước thích ứng với tính cạnh tranh quyết liệt khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Tuy còn một số tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng nhìn chung, chủ trương CPH các doanh nghiệp Nhà nước đã tạo ra sự phát triển nhanh và vững chắc.


Hoàng Chỉnh - Hoàng Vĩnh