Tôn vinh những dân quân hy sinh bảo vệ đê

08/07/2011 17:43

(Baonghean) - Hơn 43 năm trước, trong lúc đang làm nhiệm vụ hộ đê, 15 chiến sỹ dân quân của huyện Hưng Nguyên - Nghệ An đã anh dũng hy sinh. Nhằm thể hiện niềm tôn kính, một tấm bia được dựng lên tại xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên).

Tuyến đê 42 bây giờ đã được nâng cấp và hình thành con đường du lịch ven sông Lam, nhưng những nhân chứng về sự hy sinh của 15 chiến sỹ dân quân chỉ còn 3 người. Tôi tìm đến gặp bà Lương Thị Tam ở xóm 5, xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên), một trong 3 nhân chứng còn lại.

Bà Tam năm nay đã 86 tuổi, xúc động kể: Hồi ấy máy bay Mỹ ném bom ác liệt xuống khu vực xã Hưng Khánh vì có phà Chợ Tràng đưa bộ đội, vũ khí vượt sông Lam, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều đoạn đê bị bom cày hư hại. Khoảng ngày 20/8/1968, mấy quả bom Mỹ ném trúng vào giữa thân đê. Chính quyền xã huy động dân quân và người dân ra đắp lại đê. Để tránh máy bay Mỹ phát hiện nên việc đắp đê chỉ làm vào ban đêm.


Bà Lương Thị Nhị (xóm 5, xã Hưng Khánh, Huyện Hưng Nguyên) kể về trận chiến hơn 43 năm về trước.

Đến khoảng 5h sáng 27/8, bất ngờ một tốp máy bay Mỹ lao tới, quần thảo trên bầu trời và trút bom xuống đúng vị trí mọi người đang làm việc. 15 dân quân đã anh dũng hy sinh và 23 người bị thương. Bà Tam bị thương vào chân, bị sức ép ngất lịm. Cho đến bây giờ, di chứng từ trận bom ấy đã làm mắt bà mờ đi, đầu thỉnh thoảng lại đau.

Ông Võ Trọng Tuỵ (ở xóm 1, xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên), là nhân chứng thứ 2, năm nay 83 tuổi, nhưng còn khá khoẻ mạnh. Biết tôi muốn tìm hiểu về "liệt sỹ đê điều", ông không quản ngại nắng trưa, đưa tôi đi thăm các dấu tích xưa. "Nghĩa trang liệt sỹ đê điều" nằm trên chính khoảng đất hồi xưa là hố bom - nơi 15 dân quân hy sinh.

Ông kể: Sáng sớm hôm ấy, khi ấy bom giội xuống, ông ngất đi không biết gì. Bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, đầu ông lại đau, mắt cũng bị mờ từ lâu. Ông đang làm các thủ tục để được công nhận là người có công bảo vệ đê điều, nhưng vì giấy tờ không còn nên mọi việc vẫn chưa đạt kết quả. Ông Tuỵ còn kể với tôi về nhân vật thứ 3 chứng kiến sự hy sinh của dân quân 2 xã Hưng Khánh và Hưng Thắng là bà Đệ. Năm nay do sức khoẻ bị giảm sút, trí nhớ của bà không còn minh mẫn.

Rồi, ông đưa tôi vào "nghĩa trang liệt sỹ đê điều". Gọi là "nghĩa trang" nhưng thực chất đây là đài tưởng niệm ghi danh những người con của xã Hưng Khánh hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. 15 "liệt sỹ đê điều" được vinh danh trong bia tưởng niệm, còn phần mộ của các anh chị và các liệt sỹ khác được an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ xã Hưng Châu, nghĩa trang liệt sỹ của huyện Hưng Nguyên…


Tấm bia dẫn tích trong nghĩa trang liệt sỹ của xã Hưng Khánh (Hưng Nguyên).

Thắp nén hương thơm, ông Tuỵ khấn và gọi tên từng người: Nguyễn Thị Cháu, Phan Văn Hồng, Nguyễn Thị Hồng, Phan Văn Kháng, Nguyễn Đình Lý, Nguyễn Thị Lý, Phan Bùi Nhị, Lê Thị Phúc, Nguyễn Thị Phương, Hoàng Đức Sửu, Nguyễn Đình Sâm, Phan Hữu Trứ, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Lưu Tuân, Võ Văn Thái.

Ông Lê Đình Long - Chi cục phó Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Nghệ An là người quê vùng ven sông Lam (huyện Hưng Nguyên). Thời điểm các liệt sỹ hy sinh ông mới độ 6-7 tuổi, nhưng được nghe kể nhiều về những việc làm và sự hy sinh anh dũng của dân quân xã Hưng Khánh và Hưng Thắng, năm 2003, ông đã kiến nghị Chi cục làm đề xuất cấp trên xây dựng một đài tưởng niệm 15 liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ đê điều.

Đến năm 2004, công trình đài tưởng niệm được khởi công và hoàn thành năm 2005, là nơi ghi danh các liệt sỹ đã hy sinh quên mình bảo vệ đê.


Phạm Bằng