Tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp

11/07/2011 09:44

Rừng thông ở Nam Đàn phần lớn là thông thuần loài, đến nay nhiều nơi cây đã quá chu kỳ thành thục sinh học, già cỗi, giống thoái hóa, đã vậy, mật độ trồng dày (khoảng 3.000 cây/ ha). Thực tế này không chỉ làm cho công tác PCCCR gặp rất nhiều khó khăn mà ngay trong lĩnh vực phòng chống sâu bệnh cũng vậy.

Rừng thông ở Nam Đàn phần lớn là thông thuần loài, đến nay nhiều nơi cây đã quá chu kỳ thành thục sinh học, già cỗi, giống thoái hóa, đã vậy, mật độ trồng dày (khoảng 3.000 cây/ ha). Thực tế này không chỉ làm cho công tác PCCCR gặp rất nhiều khó khăn mà ngay trong lĩnh vực phòng chống sâu bệnh cũng vậy.

Tại 16 xã có rừng ở huyện Nam Đàn đều thành lập BCH PCCCR và chủ rừng gồm 377 người. Hoạt động của BCH PCCCR ở huyện đến các xã đều hoạt động hiệu quả trong việc phối hợp chỉ đạo thực hiện phương án phòng cháy. 6 tháng đầu năm 2011, huyện xây dựng 16 phương án tác chiến trong PCCCR, xây dựng quy chế trực ban. Bên cạnh đó, thành lập 121 tổ đội xung kích gồm 1.781 người và trong thời điểm nguy cơ cháy rừng cao (từ tháng 5 đến tháng 8) hợp đồng thêm hàng chục lao động thời vụ làm công tác PCCCR. Huyện lập 10 chòi canh, làm mới 26,5 km đường băng cản lửa, tu sửa 52 km đường băng cản lửa cũ và 18 hồ đập phục vụ PCCCR. Hạt Kiểm lâm Nam Đàn cũng chú trọng mua sắm các dụng cụ chữa cháy cầm tay như vỉ dập lửa, máy thổi, máy cắt thực bì, dao phát, giày, tất các loại... Đồng thời tiến hành thu dọn thực bì, vật liệu dễ cháy ở các khu rừng trọng điểm và tại các hộ nhận khoán khai thác nhựa thông (xã Nam Xuân, Nam Anh, Nam Hưng, Nam Nghĩa, Nam Giang, Nam Lộc, Khánh Sơn...) tiến hành thu dọn hơn 70% vật liệu dễ cháy.


Máy thổi, phương tiện PCCCR được kiểm lâm Nam Đàn phát huy hiệu quả

Dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác PCCCR, nhưng ở Nam Đàn vẫn là điểm nóng về cháy rừng. Một trong những nguyên nhân gây nên cháy rừng là do ý thức bảo vệ rừng của một số người dân chưa cao. Thực tế xẩy ra các vụ cháy rừng Nam Đàn, là phần lớn do con người gây ra và không ít trường hợp lén lút đốt rừng để " giải quyết mâu thuẫn". Chính vì vậy, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân để thay đổi hành vi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là một trong những việc làm được Nam Đàn chú trọng. Thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, các buổi ngoại khóa, tổ chức hội nghị... huyện đã tuyên truyền các văn bản pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt là công tác PCCCR. Huyện tổ chức 16 hội nghị để triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng PCCCR với 1.294 lượt người tham gia. Tại 121 xóm có rừng đều có tiểu ban QLBVR và thông qua tổ chức này, đã tiến hành tổ chức cho 7.200 hộ dân ký cam kết PCCCR và 2.000 học sinh trong các trường học cũng tham gia ký cam kết, đồng thời tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề " em yêu rừng xanh quê em"... Tại các điểm có nguy cơ xẩy ra cháy rừng, đều xây dựng pa nô, áp phích và các biển tuyên truyền, cảnh báo PCCCR. Với cách làm đó, nhận thức của người dân trong công tác PCCCR đã có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2011 đến nay, Nam Đàn mới chỉ xẩy ra 1 vụ cháy rừng ở Nam Lộc, nhưng thiệt hại không đáng kể.

Một trong những nguyên nhân chính gây cháy rừng ở Nam Đàn là do phần lớn diện tích rừng trồng cây thông thuần loài. Nhiều nơi cây đã quá chu kỳ thành thục sinh học, già cỗi, giống thoái hóa, mật độ trồng dày (khoảng 3.000 cây/ ha). Cây thông trồng mật độ dày đặc thì 1 ha rừng mỗi năm có khoảng 10 - 15 tấn vật liệu khô dễ cháy (gồm lá thông rụng, cây bổi, vọt, sim, mua...) không những gây khó khăn cho việc dọn thực bì, PCCCR mà làm khó cho việc phòng trừ sâu bệnh.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thì hiện nay rừng thông Nam Đàn không có tính năng phòng hộ, mà chỉ có chức năng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Vì vậy, rừng Nam Đàn cần có quy hoạch lại cây trồng một cách hợp lý. Biện pháp này tuy đòi hỏi có nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc, nhưng đây là việc làm cần thiết để khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, đồng thời có tác dụng lớn trong việc PCCCR. Qua tìm hiểu được biết, hiện nay Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn đang khởi động dự án chuyển đổi 3.069 ha rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử, văn hóa. Đây là tín hiệu mừng để Nam Đàn khai thác hiệu quả tài nguyên và từng bước khắc phục được tình trạng cháy rừng. Ông Trần Đình Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ cho biết: " Rừng Nam Đàn có nguy cơ cháy lan rất cao, vì rừng giáp ranh với nhiều địa phương khác (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, Thanh Chương). Muốn hạn khắc phục tình trạng này, cần thành lập các tổ liên gia, xây dựng hệ thống báo tin giữa các huyện, các tỉnh có rừng cận kề...". Như vậy vấn đề đặt ra đối với đặc thù của Nam Đàn là cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới mang lại hiệu quả cao trong công tác PCCCR.


H. Vĩnh - C. Sáng