"Rằng qua cơn hoạn nạn..."

06/07/2011 10:54

Trận lũ quét lịch sử cuối tháng 6/2011 vừa qua đã gây nhiều tổn thất, thiệt hại cho đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương. Hàng trăm gia đình đang sống trong cảnh cực kỳ khốn đốn, cuộc sống đói khát rình rập hàng ngày. Nhưng qua đây chúng ta càng thấy được tinh thần đùm bọc, chia sẻ, thương yêu và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" của nhân dân khắp nơi trong tỉnh gửi đến đồng bào bị hoạn nạn.

Trận lũ quét lịch sử cuối tháng 6/2011 vừa qua đã gây nhiều tổn thất, thiệt hại cho đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương. Hàng trăm gia đình đang sống trong cảnh cực kỳ khốn đốn, cuộc sống đói khát rình rập hàng ngày. Nhưng qua đây chúng ta càng thấy được tinh thần đùm bọc, chia sẻ, thương yêu và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" của nhân dân khắp nơi trong tỉnh gửi đến đồng bào bị hoạn nạn.



Chiến sỹ Đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ (BCHQS tỉnh) giúp người dân thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) khắc phục hậu quả lũ quét


Có mặt tại xã Lưu Kiền (Tương Dương) khi cơn lũ đi qua, khắp nơi còn ngập trong bùn nhão, nhà cửa đổ nát, tan hoang, nhiều ngôi nhà khác cũng đang sắp bị nước cuốn trôi do sạt lở. Trong cảnh "nước sôi lửa bỏng" ấy, những người không bị thiệt hại hoặc thiệt hại nhẹ nhanh chóng đến giúp những gia đình có nhà bị sập và hư hỏng nặng thu dọn đồ đạc

.Và đúng lúc đó, huyện đoàn Tương Dương đã kịp thời huy động hơn 20 đoàn viên lên giúp bà con bản Khe Kiền (xã Lưu Kiền) khắc phục hậu quả lũ lụt. Tuyến đường từ Lưu Kiền đi vào các xã Nậm Càn, Na Ngoi (Kỳ Sơn) nhiều đoạn nước còn dâng cao, không thể vượt qua bằng cách lội bộ hoặc dùng phương tiện đường bộ, trong khi đó nhu cầu đi lại để ứng cứu rất lớn.

Người dân nơi đây lập tức dùng tre nứa kết thành bè, thay phiên nhau chèo qua, chèo lại để vận chuyển người và các loại phương tiện. Điều đáng nói là lưu lượng người qua lại rất đông, việc chống bè thực sự không dễ dàng nhưng những người đảm nhiệm công việc này hoàn toàn với tinh thần tự nguyện, không lấy bất cứ một đồng tiền nào, dù suốt buổi phải dầm mình giữa nước bùn đặc quánh.


Ngược lên Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, cảnh tan hoang, đổ nát sau lũ còn ở mức trầm trọng hơn. Bùn tràn khắp các tuyến đường, đồ đạc bị trôi và ngổn ngang hai bên nhưng tuyệt nhiên không hề có hiện tượng mất cắp hay tranh giành nhau.

Một câu chuyện hết sức khó tin đối với vùng xuôi là hôm xẩy ra lũ quét, chồng của chị Lộc Thị Oanh ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ có việc xuống Mường Xén. Lũ bất ngờ ập đến, trong cảnh "chạy lũ", chồng chị dựng xe máy rồi cùng mọi người giúp đỡ những gia đình bị ngập chuyển đồ đạc đến vị trí cao hơn. Đường ngập nước, anh lội bộ về nhà xem gia đình có bị thiệt hại gì không. Lo xấn xếp nhà cửa, hôm sau chồng chị Oanh mới nhớ đến chiếc xe máy nhưng không thể nhớ nổi lúc ấy đã để đâu. Hai vợ chồng chị đinh ninh là đã bị lũ cuốn trôi.

Sang đến ngày thứ 5 sau lũ, chị Oanh có việc qua khu vực Khối 2- Mường Xén và không thể tin nổi khi thấy chiếc xe máy của mình đã được dựng ở một chỗ cao ráo bên đường. Cũng như ở Tương Dương, trong hoàn cảnh cực kỳ khốn khó, bà con nơi đây cưu mang, đùm bọc lẫn nhau.

Không chỉ giúp sắp đặt lại đồ đạc, lau rửa nhà cửa, nhiều gia đình còn nấu cơm cho những người láng giềng bị mất hoàn toàn gia sản, rồi đưa họ về nhà ở tạm để khỏi phải sống cảnh "màn trời, chiếu đất". Anh Lô Văn Tuấn, người suốt mấy ngày bỏ công việc nhà để giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng tâm sự: "Trước cảnh bất hạnh, khổ sở của mọi người, mình không đành lòng đứng nhìn. Trong cơn hoạn nạn, mình là người may mắn hơn nên giúp được gì cho mọi người mình sẽ cố gắng". Thậm chí, trong khi nước lũ đang lên, có những người sang giúp đỡ, ứng cứu cho láng giềng, khi trở về thì nhà mình đã bị nước cuốn trôi hoặc làm cho xiêu đổ.


Chứng kiến nghĩa tình trong cơn hoạn nạn ở Kỳ Sơn và Tương Dương, chúng tôi chợt nhớ lại cách đây mấy năm, dòng lũ cuốn trôi một đoạn đường liên xã ở Lục Dạ, huyện Con Cuông. Một số người dân liền bắc gỗ làm cầu tạm, mỗi lần qua phải trả phí 20 nghìn đồng, bất kể bà con nông dân, giáo viên hay học sinh. Hoặc như trong trận lũ cuối năm 2010, ở một vài huyện tuyến đường quốc lộ bị ngập nặng, xe máy không thể đi qua, người dân đưa xe bò để ai có nhu cầu sẽ chở qua. Và tất nhiên, cước phí không hề thấp, có nơi lên tới 50nghìn đồng/lượt.


Đến đây, chúng tôi mới thực sự thấm thía câu hát: "Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau...".


Công Kiên