Doanh nghiệp trước nỗi lo “đầu vào”

21/05/2011 19:20

(Baonghean) - Giá xăng dầu, giá than… tăng cao cùng áp lực lãi suất vay ngân hàng chưa có biểu hiện chững lại, đang khiến giá cả đầu vào gia tăng, đẩy doanh nghiệp lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Chưa hết khó vì điện, xăng

Ông Lê Xuân Đạt - Giám đốc Nhà máy gạch Granite Trung Đô, cho biết: Giá điện tăng, giá xăng dầu tăng tất yếu dẫn đến đến chi phí đầu vào tăng mạnh. Trước đây Nhà máy chạy hết công suất chi phí tiền điện hết 1,3 tỷ đồng/tháng, nay tăng lên 1,5 tỷ đồng/tháng. Chỉ riêng chi phí trả tiền điện mỗi tháng đã đội lên 200 triệu đồng.

Giá xăng dầu tăng khiến giá vận chuyển cũng tăng.

Thêm vào đó, giá xăng dầu tăng liên tiếp ảnh hưởng đến cả đầu vào, đầu ra của sản phẩm, đẩy chi phí vận tải tăng thêm 12 - 20%, giá nguyên liệu đầu vào tăng thêm 20% (do quá trình khai thác mỏ tiêu hao nhiều nhiên liệu dầu)... Những chi phí đó đã làm cho giá thành sản phẩm gạch ốp lát tăng đội lên 10 - 15% (tuỳ từng loại sản phẩm). Chúng tôi đang lo lắng sản phẩm khó cạnh tranh với thị trường, đặc biệt là với sản phẩm gạch ốp lát của Trung Quốc giá cả ổn định, đa dạng đang cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.

Mới sau 1 tháng điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm, sản lượng tiêu thụ của Nhà máy đã giảm 10% so với trước. Doanh thu không đảm bảo, khó tăng lương cho cán bộ, công nhân, không đảm bảo đời sống, e rằng khó giữ chân người lao động.

Còn theo tính toán của ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong thì phí vận chuyển đã tăng thêm 500 đồng/kg nguyên liệu, đẩy giá sản phẩm tăng thêm 2.000 đồng/sản phẩm. Bình quân mỗi ngày công ty sản xuất gần 1.000 sản phẩm mây tre đan các loại, mỗi tháng mất thêm 60 triệu đồng chi phí vận chuyển. 1 container hàng xuất khẩu cũng tăng thêm 20% phí vận chuyển, trước đây vận chuyển 1 container hàng mây tre đan từ Nghệ An ra cảng Hải Phòng hết 7,4 triệu đồng, nay tăng lên hơn 9 triệu đồng.

Doanh nghiệp gồng mình chống đỡ nhiều áp lực lớn.

Trong khi đó giá thành sản phẩm đầu ra không được tăng vì các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ những năm trước. Năm nay doanh nghiệp hy vọng ký thêm được những hợp đồng xuất khẩu mới nhằm bù cho các hợp đồng cũ, xuất hàng theo hợp đồng cũ doanh nghiệp đang chịu lỗ.

Tiếp tục lao đao vì lãi ngân hàng

Chưa hết lao đao vì giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua, thì lãi suất vốn vay ngân hàng quá cao (trên 20%/năm), doanh nghiệp nỗ lực hết sức vẫn khó đủ lợi nhuận để bù đắp những chi phí phát sinh. Bà Hồ Thị Nhàn - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hạ Vinh chia sẻ:

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Hạ Vinh đang phải vay vốn hàng chục tỷ đồng để đầu tư mua xe taxi và xe giường nằm chạy tuyến Vinh - Hà Nội. Hiện chỉ tính riêng tiền trả lãi suất vốn vay ngân hàng đã mất hơn 1 tỷ đồng/tháng. Nếu không vay vốn thì không đủ kinh phí đầu tư mua thêm xe chất lượng cao, không cạnh tranh được với các hãng xe khác trên thị trường, vay được vốn rồi, doanh nghiệp ngày đêm trăn trở làm thế nào để đủ trả lãi suất hàng tháng cho ngân hàng ?

Công ty CP Trung Đô ngoài nguồn vốn tự có, mỗi năm cần thêm 70 tỷ đồng vốn lưu động để mua vật tư, thiết bị máy móc, trả lương công nhân... Công ty hiện đang vay vốn ngân hàng 70 tỷ đồng, năm 2010 lãi suất vay 17%/năm doanh nghiệp đã phải gồng mình trả nợ, nay lãi suất tăng lên 20%/năm, riêng tiền trả lãi suất ngân hàng đã mất gần 1,2 tỷ đồng/tháng. Nếu phải vay vốn nhiều hơn nữa, nỗi lo lỗ nặng đã hiện hữu.

Trong giai đoạn này, càng khó khăn, càng phải bỏ tiền đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất nhằm tiêu hao ít nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm thì mới cạnh tranh được trên thương trường. Không còn cách nào khác, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới mô hình sản xuất dùng ít nhiên liệu nhất, giảm thiểu tối đa tiêu hao nhiên liệu thì mới tồn tại được.

Với doanh nghiệp nhỏ vừa như Công ty TNHH Đức Phong thì việc trả lãi suất vay ngân hàng cao khiến kế hoạch mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động làng nghề phải hoãn lại. Bởi lo vay được vốn rồi, sản phẩm làm ra không đủ trả lãi suất.

Thiết nghĩ, trong giai đoạn bão giá này, cần có một gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, để giảm gánh nặng lãi suất, có thêm kinh phí tái đầu tư (thay vì phải trả lãi suất cao cho ngân hàng), giảm giá thành sản phẩm, nhằm hạ nhiệt giá cả hàng hoá trong lưu thông đang tăng chóng mặt từng ngày.


Quỳnh Lan