Nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai
(Baonghean) - Với xu thế biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường, việc xây dựng kế hoạch về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (GNTT) là rất cần thiết, qua đó, nâng cao năng lực chủ động phòng, ngừa, tự bảo vệ mình trước thiên tai.
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An- ông Hoàng Văn Hiếu cho biết: Thực hiện chiến lược Quốc gia phòng, chống và GNTT, kế hoạch của tỉnh ta được xây dựng và thực hiện nhằm mục đích giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo yêu cầu phát triển KT-XH ổn định và bền vững. Từ đó, các mục tiêu được đề ra một cách cụ thể, như: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH và khu dân cư, đồng thời tập huấn và tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cán bộ và bà con vùng thường xuyên bị thiên tai.
Nâng cấp hồ Vực Mấu- một công trình thủy lợi quan trọng của tỉnh
Bên cạnh đó, chú trọng di dời, tái đinh cư cho người dân sống ở những vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, nước dâng, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Hoàn thiện hệ thống đê có vị trí quan trọng bậc nhất là đê Tả Lam, tiến tới xóa vùng chậm lũ hữu Thanh Chương và vùng Năm Nam (Nam Đàn) trước năm 2015, đồng thời củng cố và nâng cấp hệ thống đê biển để bảo vệ dân cư, phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng ven biển. Ngoài ra, tiến hành nâng cấp, tu sửa các hồ chứa, hoàn thành xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền ở Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn và Cửa Hội.
Để thực mục tiêu đó, từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực và hiệu quả. Trước hết là tổ chức các hoạt động nhằm giúp nâng cao năng lực tự phòng ngừa của người dân, giúp họ có những kỹ năng và ý thức tự giác giúp đỡ lẫn nhau khi có thiên tai. Phát huy vai trò của các đoàn thể xã hội và tổ chức các lực lượng tự nguyện của cộng đồng tham gia chuẩn bị, ứng phó và cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời với việc phát huy các kinh nghiệm truyền thống trong dân để nhân rộng, là tiếp thu các ứng dụng khoa học công nghệ mới để xây dựng hệ thống thông tin liên lạc với các vùng sâu vùng xa và tàu thuyền trên biển, hệ thống cảnh báo sớm tại các địa phương và cộng đồng. Phối hợp với các địa phương khác và lực lượng quân đội trong tìm kiếm, cứu nạn.
Đến nay, tỉnh ta đã tiến hành di dời tái định cư cho nhiều người dân sống ở những vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nước biển dâng, ngập lụt. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc đến tận từng xã và các tàu thuyền trên biển, bổ sung các trạm đo mưa ở những nơi còn thiếu, xây dựng các công trình chống sạt lở đường, bờ sông, bờ biển, nâng cấp đê Tả Lam. Các tuyến đê biển đã có dự án đều đã được xây dựng, các hồ chứa nước được nâng cấp, đảm bảo an toàn khi có lũ lớn hơn. Cùng với đó là xây dựng các hồ thủy điện có tác dụng tham gia cắt lũ cho hạ du như Thủy điện bản Vẽ, Bản Mồng, Thác Muối v.v.
Ông Hiếu cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, hoàn thiện các công trình chống lũ, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét vùng miền núi. Tiếp tục xây dựng các công trình thủy điện, hoàn thiện hệ thống tiêu úng, đồng thời nâng cấp, xây dựng hệ thống giao thông phục vụ vùng dân cư thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lụt bão v.v.
Phú Hương