Di dân phòng chống lũ ống, lũ quét: Khó vì "kinh phí"

01/07/2011 10:08

Trên "bản đồ số" của công tác phòng chống lụt bão, lũ ống, lũ quét tỉnh Nghệ An đánh dấu 240 điểm dân cư (gồm 9536 nhà và 43.014 người) ở vùng miền núi có khả năng sạt lở đất, lũ ống lũ quét và trong đó nhiều điểm cần di dời dân khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thực hiện hỗ trợ người dân vùng " báo động đỏ" về nơi ở mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Còn nhớ, năm 2005 ở Kỳ Sơn, Tương Dương xẩy ra trận lũ lụt lịch sử, rồi 2007 cũng vậy và ngày 23 - 26/6 vừa qua lại "ghi thêm đỉnh mới" về lũ lụt (Thượng nguồn sông Cả tại Kỳ Sơn ngày 25/6 đỉnh lũ là 145,49m, cao hơn mực nước lịch sử năm 2005 là 3,34 m). Điều này cho thấy lũ lụt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, công tác di dời dân, tái định cư tại vùng có nguy cơ xẩy ra lũ ống, lũ quét cần được quan tâm, thực hiện một cách đồng bộ. Thông qua bản đồ số, ở Kỳ Sơn có 12 điểm nằm trong vùng có khả năng sạt lở, lũ ống, lũ quét. Hiện nay, huyện đang thực hiện dự án định canh định cư tập trung ở bản Kèo Pha Tú và cũng đang thực hiện việc xen ghép định canh định cư ở bản Cha Ca (Bảo Thắng), bản Pốc (Nậm Giải), bản Nậm Càn, bản Na Loi. Tại huyện Tương Dương, có 62 điểm (gồm 627 nhà và 2.698 người) nằm trong vùng có khả năng sạt lở, lũ ống, lũ quét. Hiện tại dự án tái địch cư ở bản Huồi Tố 1 đã hoàn thành, trong đợt lũ lụt ngày 25 - 26/6 vừa qua, người dân không bị thiệt hại. Tương Dương hiện đang triển khai 2 dự án phục vụ cho 120 hộ dân tái định cư ở bản Na Cán (Yên Tĩnh) và bản Nhuôn Mai (xã Nhuôn Mai). Huyện Quế Phong có 32 điểm (gồm 1.616 nhà và 9.395 người) nằm trong vùng có khả năng sạt lở, lũ ống, lũ quét và hiện nay huyện đang tích cực thực hiện dự án định canh định cư, đồng thời lồng ghép vào các dự án thuộc các chương trình khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Quỳ Châu có 44 điểm, Quỳ Hợp 18 điểm, Con Cuông 14 điểm, Tân Kỳ 39 điểm, Nghĩa Đàn 17 điểm nằm trong vùng có khả năng bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét.


Bản đồ phòng chống lụt bão, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Hoàng Vĩnh

Dù chính quyền địa phương và người dân nỗ lực rất lớn trong việc di dời ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét, nhưng kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chính là: Nguồn kinh phí đầu tư đã ít, lại cấp chậm. Để thực hiện một khu tái định cư ở vùng miền núi cao cần nguồn kinh phí rất lớn, như tại bản Kèo Pha Tú (huyện Kỳ Sơn) phải đầu tư gần 10 tỷ đồng phục vụ cho 45 hộ định canh, định cư. Hay tại dự án xây dựng khu tái định cư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và đặc biệt khó khăn bản Nhuôn Mai (Tương Dương) được phê duyệt tổng mức đầu tư gần 12,5 tỷ đồng, và đến nay mới được bố trí kinh phí là 2,4 tỷ đồng... Với năng lực của các địa phương vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thì lời giải cho bài toán về kinh phí là trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước. Và một khi "dòng" kinh phí đầu tư này khó khăn thì điều tất yếu là làm gián đoạn việc thực hiện chương trình di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét. Bên cạnh đó, còn do đặc thù của các huyện miền núi, việc tìm được quỹ đất để quy hoạch các khu tái định cư rất khó khăn, nhất là tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Thực tế, đáng báo động là sau những trận lũ lụt lịch sử (2005- 2007 - 2011), nhưng các hộ dân vẫn phải chấp nhận dựng lại nhà trên nền đất cũ vì không có vùng tái định cư. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ người dân chưa phù hợp với thực tế như: hỗ trợ ( theo NĐ 193/CP ) cho mỗi hộ dân di dời nhà cửa đến khu tái định cư là 20 triệu đồng/hộ. Đây là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc vận động người dân về khu tái định cư.


Những hộ dân ở Kỳ Sơn nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao vẫn chưa di dời. Xuân Tám

Rõ ràng những việc đã làm được trong thời gian qua và so với nhu cầu cấp bách hiện nay còn khoảng cách khá xa. Và người dân trong vùng lũ ống, lũ quét đang mong muốn Phương án phòng chống lụt bão, lũ ống, lũ quét không chỉ nằm yên trong máy tính của những người có trách nhiệm, mà được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực.


Hoàng Vĩnh