Người thầy đặc biệt của lớp học tình thương

18/07/2011 15:10

8 năm nay tại nhà riêng, ông Nguyễn Đăng Khoa ở xã Nam Lĩnh, Nam Đàn thương binh bị mù đã đem hết tâm sức, nhiệt tình bổ sung kiến thức cho học trò xã Nam Lĩnh và vùng lân cận.

Trong trận chiến khốc liệt với quân thù ở đoàn 559, bộ đội Trường Sơn, đường 9 Nam Lào ngày 19-11-1968, ông Nguyễn Đăng Khoa đã mất đi ánh sáng đôi mắt. Ôngnghĩ, mình không còn nhìn thấy ánh sáng thì phải lấy âm thanh để làm cầu nối đến với cộng đồng.

Lãnh đạo phòng GD và Hội khuyến học huyện trao quà cho lớp học nhân ngày khai giảng.


Ông đã tự học các loại đàn, học thổi sáo. Với người còn đôi mắt đã khó, huống chi một người khiếm thị lại càng khó hơn, song, ông vẫn không nản chí.Nhờ đó, loại nhạc cụ nào ông cũng thành thạo. M ỗi khi đi hội diễn ở những sân chơi dành cho người khiếm thị, tiếng đàn, tiếng trống của ông đã làm xúc động lòng người và ông đã dành được nhiều giải thưởng. Đặc biệt, Lễ hội Làng Sen 30 năm thì ông tham gia 30 lần. Hay như Lễ hội "Uống nước nhớ nguồn " ở Anh Sơn, ông đã dành được giải thưởng đặc biệt.


Ông luôn trăn trở Nam Đàn là đất học, kinh tế chỉ độc canh cây lúa, nên nghèo, xóm 5 xã Nam Lĩnh quê ông cũng có 2 người đỗ đạtbằng Tiến sỹ, vậy làm sao để duy trì được sự hiếu học của con cháu, củng cố được kiến thức mà không mất tiền? Ông chợt nghĩ mình sẽ dạy cho các cháu học môn toán...


Có tư duy về toán học nhưng ông chưa từng lên lớp giảng bài, không có phương pháp sư phạm, vậy làm sao để truyền thụ kiến thức cho các cháu dễ hiểu, dễ nhớ... Một lần nữa ông lại mày mò tự học để củng cố kiến thức, và phương pháp sư phạm. Học và nghiên cứu thật kỹ qua chiếc đài Rađiô mà ông luôn đem theo bên mình.

Lớp học hình thành, ban đầu nhiều phụ huynh không tin ông có thể dạy học được vì ông không còn hai mắt, lại chưa từng làm thầy giáo nên lớp học chỉ vài ba cháu tự tìm đến ông hỏi bài, dần dần thấy các cháu tiến bộ nên phụ huynh đã tin tưởng và tự tìm đến nhờ ông dạy. Có lớp trưởng, lớp phó, có danh sách, có điểm danh và rất ấn tượng là lớp học làng quê nhưng các học trò đều áo trắng, mũ ca lô và khăn quàng đỏ. Ông Khoa bảo :"Ông muốn các cháu lúc nào cũng ghi nhớ mình là đội viên, là con cháu của Bác Hồ đang sống và học tập trên quê hương của Người".


Mắt không nhìn thấy ánh sáng nên khi giảng bài thi thoảng ông vẫn cần đến một "trợ giảng", đó là một học trò trong lớp có học lực tốt và chữ viết đẹp để khi vẽ bài hình học thầy giảng cho sinh động, học sinh dễ hiểu.


Thấy các cháu có kết quả cao trong học tập, phụ huynh đã đến cảm ơn và gửi tiền học phí nhưng ông Khoa nhất định không nhận. Ông nói: Đảng và Nhà nước đã nuôi ông rồi, bây giờ ông dạy các cháu, có tiến bộ, có kết quả cao là phần thưởng cao quý nhất đối với ông.


Đạm Phương