Kỳ 1: Thảm họa từ các vụ cháy rừng
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Đây là một nguồn tài nguyên quý giá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và là môi trường lý tưởng để hệ sinh thái tồn tại và phát triển nếu như được bảo tồn, gìn giữ một cách khoa học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số địa phương đã để xảy ra cháy rừng, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống sinh thái.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Đây là một nguồn tài nguyên quý giá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và là môi trường lý tưởng để hệ sinh thái tồn tại và phát triển nếu như được bảo tồn, gìn giữ một cách khoa học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số địa phương đã để xảy ra cháy rừng, không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống sinh thái.
Chúng tôi trở lại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn sau một năm xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ vào các ngày 7 và 8/7/2010. Đây là vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, thiêu huỷ trên 200 ha rừng thông cấp tuổi 4 và 5. Bây giờ thảm thực vật bắt đầu mọc lên nhưng khung cảnh hoang tàn vẫn còn in đậm. Những đồi thông màu xanh bạt ngàn trước đây giờ chỉ còn đất cháy, sỏi đá nứt nẻ. Ông Nguyễn Như Khôi - Chủ tịch UBND xã Nam Kim, cho biết: "Diện tích bị cháy rộng, thiệt hại quá lớn, phải hơn 20 năm sau mới có thể khôi phục được rừng thông như trước". Cũng vào năm ngoái, vụ cháy rừng địa phận xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên thiêu trụi hơn 25,5 ha rừng. Thảm thực vật đang mọc len lỏi trên những thớ đất đen "chết". Giữa thời tiết nắng nóng, diện tích đất trống đó càng cằn cỗi...
Cháy rừng ở xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) năm 2010 làm thiệt hại hàng chục ha rừng.
Trong năm 2010, toàn tỉnh xẩy ra 38 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy gần 230 ha rừng trồng thông, rừng tự nhiên hỗn giao giang nứa - gỗ tại các huyện: Nam Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Thanh Chương và Anh Sơn. Trong đó, có một số vụ do cháy lan từ huyện này sang huyện khác, xã này sang xã khác. Mùa nắng nóng năm nay, vụ cháy rừng đầu tiên xẩy ra vào hồi 13h30 phút ngày 12/6/2011 tại khe Cây Đa, xóm 4, xã Nam Lộc, Nam Đàn, thiêu trụi 4,5 ha rừng thông. Đến 17h30 phút cùng ngày đám cháy mới được dập tắt. Theo báo cáo tổng hợp, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xẩy ra 5 vụ cháy rừng, thiêu hủy 21,3 ha; trong đó, đất có rừng 7,3 ha; đất không có rừng: 14 ha trên địa bàn 3 huyện Nam Đàn, Nghĩa Đàn và Diễn Châu. Gần đây nhất là vụ cháy rừng gỗ nứa hỗn giao ngày 7/7/2011 tại địa phận xã Thanh Đức - Thanh Chương, địa phận do Công ty Cổ phần Cao su Nghệ An quản lý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Cháy rừng là một hiểm hoạ cực kỳ nguy hiểm, tác động đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: Làm thiêu trụi thiệt hại tài nguyên rừng như (gỗ, động vật, dược liệu...), và chi phí cây giống, trồng rừng, chăm sóc, QLBVR hàng năm. Bên cạnh đó, người dân mất việc làm và thu nhập ổn định. Cháy rừng còn có thể thiêu trụi nhà cửa nơi ở của người dân. Hơn nữa, cháy rừng còn phá vỡ cân bằng sinh thái, làm giảm tính ổn định của rừng, ảnh hưởng xấu tới quá trình tái sinh, phục hồi rừng, thay đổi thành tố cây rừng. Ngoài ra, cháy rừng thải ra tro bụi gây ô nhiễm không khí; làm mất khả năng điều hoà nguồn nước của rừng, dẫn đến tình trạng lũ ống lũ quét, đất bị rửa trôi bạc màu, đất đai khô cằn. Tác dụng điều hoà nhiệt độ, độ ẩm của rừng bị mất dần đi, khí hậu trở nên gay gắt, khắc nghiệt. Có những vụ cháy rừng lớn không thể đánh giá hết mức độ thiệt hại.
T.L- Đ.C