Hang Hỏa Tiễn – Nơi tuổi 20 thành bất tử

18/07/2011 17:28

Cách đây tròn 45 năm, tại địa danh này, hàng trăm bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP)… dưới mưa bom bạo đạn đã dốc hết nhiệt huyết tuổi trẻ, hy sinh thân mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Trong đó có 33 Thanh niên xung phong đã ngã xuống giữa tuổi đời còn rất trẻ.

(Baonghean) - Cách đây tròn 45 năm, tại địa danh này, hàng trăm bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP)… dưới mưa bom bạo đạn đã dốc hết nhiệt huyết tuổi trẻ, hy sinh thân mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Trong đó có 33 Thanh niên xung phong đã ngã xuống giữa tuổi đời còn rất trẻ.

Hang Hỏa Tiễn - Một địa danh linh thiêng, chứa đựng những câu chuyện chiến tranh bi tráng, nằm ở Thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu - tỉnh Nghệ An(cách quốc lộ 1A khoảng 800m) thờ 33 TNXP mà sự hy sinh của họ như một bài ca bất diệt. Di tích hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường Sắt vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xếp hạng là di tích Lịch sử Quốc gia tại Quyết định số: 1410/ QĐ - BVHTTDL ngày 27/4/2011.

Hang Hỏa Tiễn

Trở lại với lịch sử, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh Đặc biệt” ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vinh Bắc Bộ (5/8/1964) lấy cớ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng tập trung đánh phá hậu phương và hòng cắt đứt các tuyến giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.

Để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam đánh địch, bên cạnh vận tải đường bộ, đường biển, đường sông, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương khai thác triệt để thế mạnh của tuyến vận tải đường sắt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Vì vậy, sau khi tiếp nhận quân số TNXP chi viện cho ngành GTVT của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 27/4/1965, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập đơn vị C271 đội 27, gồm 150 đồng chí, chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt, để đáp ứng nhu cầu bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất nguyên liệu đá đáp ứng kịp thời cho công tác đảm bảo giao thông khu vực Thanh Hóa - Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đơn vị C217 được chia thành nhiều tổ, đội, mỗi tổ đội đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như: nạo vét kênh nhà Lê; bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai; bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe Nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai… Trong đó, Tổ 4 có 38 đồng chí với nhiệm vụ khai thác đá để kịp thời khắc phục các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom Mỹ đánh phá. Họ là những thanh niên nhiệt huyết còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi, xuất thân từ những vùng quê nghèo ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình…

Năm 1965, với những thành tích đã đạt được, lực lượng TNXP đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và tặng cờ thi đua. Nội dung bức thư có đoạn viết: “Thân ái gửi các cháu Đoàn viên công trình đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An. Trong kế hoạch 5 năm, Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng lại đường sắt Thanh Hóa - Nghệ An. Trung ương Đoàn Thanh Niên Lao động đã thay mặt các cháu mà nhận công trình đó và xin đặt tên là: Công trình đường sắt thanh niên. Các cháu đã xung phong tình nguyện làm việc đó, thế là các cháu đã làm đúng khẩu hiệu “ đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Bác thân ái khen các cháu và dặn các cháu mấy điều sau: Phải đoàn kết chặt chẽ, phải giúp đỡ đồng bào nơi mình làm việc; Phải hăng hái thi đua, phải giữ tốt kỷ luật lao động, hăng say sáng kiến cải tiến kỹ thuật để làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ; phải vừa làm vừa học thêm văn hóa…Bác tặng các cháu lá cờ phần thưởng luân lưu cho các cháu thanh niên Thanh Hóa - Nghệ An…Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, hăng hái thi đua dành nhiều thành tích”.

Ngày 28/4/1966, Tổ 4, đơn vị C271 đang hăng say làm nhiệm vụ trên công trường, không khí làm việc khẩn trương và sôi nổi, khoảng 9h sáng, lúc Tổ 4 đang vận chuyển những khối đá cuối cùng để hoàn thành đoạn đường ray còn lại, bất ngờ tiếng kẻng báo động vang lên, lập tức tổ trưởng Thắm ra lệnh cho đồng đội rút vào nơi trú ẩn. Cũng như những lần trước, toàn tổ chạy vào hang đá quen thuộc cách công trường 30m để tránh bom. Khi phần lớn anh em đã vào trong hang thì máy bay đich nhào tới phóng một loạt bom làm rung chuyển cả khu vực, tiếp theo là một loạt đạn rocket trúng miệng hang. Cửa hang bị đánh sập hoàn toàn, đá rơi ngổn ngang che kín lối vào. Chị Doanh đang trên đường chạy vào hang trú ẩn thị bị sức ép của bon hất xuống hố bom bên cạnh.

Bom Mỹ vừa dứt, các tổ đội công nhân quanh đó chạy ra hiện trường để tìm kiếm nhưng chỉ thấy toàn bộ khu vực hang chìm trong khói bom dày đặc, bụi bay mù mịt, cây cối đổ ngã, cửa hang bị bịt kín. Lực lượng chi viện và công nhân mỏ đá nỗ lực tìm kiếm, đào bới, lúc công việc tìm kiếm còn giang dở thì máy bay Mỹ tiếp tục quay lại ném bom, lực lượng tìm kiếm phải rút về nơi an toàn. Đến chiều tối hôm đó, khi Mỹ ngừng ném bom, các đơn vị TNXP, bộ đội, công nhân khai thác đá, tập trung về cửa hang dùng cuốc, xẻng, xà beng cấp tập đào bới với quyết tâm tìm kiếm hy vọng còn đồng đội nào sống sót. Sáng hôm sau một phần cửa hang được khai thông, bước vào hang, ai cũng òa khóc như chết lặng khi thấy một cảnh tượng đau lòng bao trùm: 32 thi thể nằm ngổn ngang, không còn ai nguyên vẹn - các anh, các chị tuổi đời mười tám đôi mươi đã hy sinh anh dũng (Chỉ có chị Trần Thị Loan[1] sống sót sau khi đem đi Hà Nội để cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng chị đã hy sinh vào tháng 8/1966). Cái chết tuổi hai mươi của các anh, các chị đã hóa linh thiêng trên mảnh đất anh hùng, họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Năm 2001, Xí nghiệp đá Hoàng Mai đã quy hoạch và xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Đường Sắt, nơi an nghỉ của 32 liệt sĩ TNXP, còn hang đá được tôn tạo lại, phía trước cửa hang xây bia tưởng niệm. Năm 2003, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội công nhận 33 TNXP Tổ 4, C217 là Liệt sỹ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công và năm 2011, Bộ Văn hóa-Thể Thao & Du lịch xếp hạng địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong đơn vị C271 tại Hoàng Mai ngày 28/4/1966 gồm: Hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ Đường Sắt là di tích Lịch sử Quốc gia.

Trong âm vang đồng vọng từ 33 liệt sĩ TNXP bên nhau trong lòng đất, tôi nhìn xuống chân dãy núi Eo Kim, thấy màu xanh một rừng bạch đàn dày đậm đến thế, những hố bom nay đã xanh lại, nơi những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.


Nguyễn Trọng Cường