Xe máy Honda giảm giá, chiêu kích cầu tạm thời?

15/07/2011 17:53

Giá nhiều dòng xe máy của Honda trên thị trường đang giảm về mức đề xuất hoặc thậm chí thấp hơn. Đây là hệ quả tất yếu khi người mua bắt đầu khó tính hơn, hay do chính người bán đang chủ động áp chiêu tạm giảm giá?.

Chỉ khoảng hai tháng trước, nhiều mẫu xe máy của Honda Việt Nam (HVN), đặc biệt là Air Blade, còn được bày bán với giá cao hơn đáng kể so với mức đề xuất. Và dường như dù xe không quá thiếu nhưng khách hàng vẫn chẳng có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận mức giá do đại lý áp đặt. Nay thì gió có vẻ bắt đầu đổi chiều.

Lượng người đi xem và mua xe giảm hẳn khiến các đại lý không thể tiếp tục "om hàng, đội giá". Theo quản lý một đại lý ủy quyền (Head) của HVN tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), sức mua trong hơn một tháng trở lại giảm gần một nửa so với hồi đầu năm, người bán thì nhiều mà người mua thì ít.

Rất hiếm người tiêu dùng Việt Nam có thể mua được xe Air Blade đúng giá đề xuất kể từ ngày ra mắt.

Xe sẵn, khách vắng, nên giá xe giảm khá mạnh, các dòng xe vốn được mệnh danh là "vua loạn giá" như Air Blade, PCX, Lead đã buộc phải bán theo đúng giá niêm yết, thậm chí ở một số đại lý còn có giá thấp hơn cả mức đề xuất.

Dạo qua một vòng các đại lý ủy quyền của Honda tại Hà Nội, có thể thấy giá xe Lead hiện dao động từ 34,5 đến 34,8 triệu đồng (thấp hơn giá niêm yết của HVN từ 200 đến 500 nghìn đồng), PCX hiện có giá khoảng 55 triệu đồng, giảm 3,9 triệu đồng so với mức đề xuất. Trong khi đó, dù Air Blade vẫn có giá cao hơn mức đề xuất nhưng cũng đã giảm, và đặc biệt là xe luôn có sẵn để giao cho khách hàng.

Theo nhiều đại lý, thời điểm tháng 7-8 thường là giai đoạn khó bán xe nhất trong năm. Tuy nhiên, các đại lý cũng thừa nhận doanh số bán hàng năm nay giảm mạnh hơn hẳn so với mọi năm, đặc biệt là năm ngoái.

Lý giải về điều này, hiện có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.

Theo một số người, kinh tế khó khăn, lạm phát cao là nguyên nhân khiến người tiêu dùng "chùn tay" mua sắm và xếp xe máy vào loại mặt hàng chưa thật cần thiết trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sau một thời gian dài buộc phải "nhảy múa" theo giá xe Honda, nhiều người tiêu dùng đã mệt mỏi và ít nhiều có động thái tẩy chay các dòng xe của HVN.

Nhiều diễn đàn uy tín về xe trên Internet tỏ ra quan tâm tới thông tin giá xe máy giảm, và có không ít nhận định đây là kết quả tất yếu của việc nhiều khách hàng đã "quyết làm người tiêu dùng thông minh" khi kiềm chế không chạy đua theo giá xe.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, những người đã "trót" mua xe trong đợt cao điểm loạn giá sẽ thêm một lần tiếc nuối về khoản chênh lệch không đáng có mà mình phải chịu, cũng như số tiền mất giá kèm theo khi bán xe đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, theo bình luận của một số chuyên gia, việc giảm giá các dòng sản phẩm vào thời điểm này cũng có thể là một chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô" mà các đại lý ủy quyền của HVN đang tung ra để vỗ về người tiêu dùng.

Chiêu thức này giúp các đại lý "bắn một mũi tên trúng hai đích" mà vẫn bảo toàn được lợi nhuận kỳ vọng trong cả năm. Việc chọn thời điểm vốn chẳng dễ làm ăn này để giảm giá sẽ ít nhiều lấy lại uy tín.

Các đại lý cũng sẽ có cơ sở để chứng minh "sự vô can" trước tình trạng loạn giá, bởi giá xe đã có lúc lên lúc xuống (dù lên là chính, xuống là phụ). Và nhờ đó, sau 1-2 tháng chấp nhận giảm giá, giá xe Honda có thể sẽ tăng trở lại đón đầu thời điểm cầu mua xe tăng vào cuối năm. Để tạo thuận lợi cho việc đẩy giá, chiêu thức mượn việc cải tiến hoặc tung ra một sản phẩm mới gây sốt có thể sẽ lại được đem ra áp dụng, và khởi đầu từ một "diễn viên chính" gây sốt, các "diễn viên phụ" cũng nhờ thế mà được ăn theo.


Theo VnEconomy